01/08/2022 14:11
Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh có gần 216.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine trong 2 đợt từ ngày 20-4 và dự kiến kết thúc đầu tháng 7-2022. Đợt 1 các địa phương triển khai tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ chưa mắc COVID-19; đợt 2 triển khai tiêm cho trẻ mắc COVID-19 và khỏi bệnh ít nhất 3 tháng. Ngoài 2 đợt chính, tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, thời gian mắc COVID-19 của trẻ sẽ tổ chức tiêm vét đối với các trẻ không được tiêm đợt 1 và đợt 2 do không đủ điều kiện, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi gồm vaccine Comirnaty (Pfizer liều 0,2ml) tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; vaccine Spikevax (Moderna liều 0,2 ml) tiêm cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi. Tại hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi do Bộ Y tế tổ chức, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trước khi khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này, các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm lâm sàng và Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ xác định vaccine Pfizer/BioNTech đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Hiện có 53 quốc gia đã và đang tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12. Ở nước ta, ước tính có khoảng 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Tiêm vaccine có thể giúp bảo vệ trẻ từ 5 tuổi trở lên, tránh lây lan COVID-19 cho người khác. Tiêm phòng giúp trẻ không bị tình trạng nặng khi mắc COVID-19. Trẻ em mắc COVID-19 nên được tiêm vaccine phòng COVID-19. Sau tiêm có thể gặp một số tác dụng phụ nhưng đó là phản ứng đáp ứng miễn dịch thông thường của cơ thể như đau nhức tại vị trí tiêm, nhức đầu, đau cơ, sốt nhẹ. Nếu trẻ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng, các cơ sở tiêm chủng có thể nhanh chóng xử trí và gọi cấp cứu.
Trẻ em được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Trong ảnh, học sinh được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá).
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, đồng chí Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo các điểm tiêm khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm; chuẩn bị đầy đủ thuốc chống sốc, kịp thời xử trí phản vệ trong quá trình sử dụng vaccine. Đặc biệt, tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc vì diễn biến phản ứng phản vệ rất nhanh, Sở Y tế yêu cầu mỗi bàn tiêm chủng trước khi tiêm vaccine tại khu vực theo dõi phản ứng sau tiêm chủng phải chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim bằng nắp).
Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ, tiêm ngay 1/2mg Adrenalin tiêm bắp, sau đó theo dõi và xử trí theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, trung tâm y tế huyện, thành phố thành lập các đội cấp cứu lưu động tại đơn vị mình và hỗ trợ các điểm tiêm chủng tại các trạm y tế hoặc trường học trên địa bàn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra”.
Địa bàn TP. Rạch Giá, đợt 1 có 21.839 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19, đợt 2 có 4.684 trẻ. Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Đối với trẻ đi học, trạm y tế các phường, xã phối hợp trường học, các cơ sở đào tạo lập danh sách đối tượng theo lớp tổ chức điểm tiêm phù hợp. Đối với trẻ không đi học, nhân viên y tế phối hợp chính quyền lập danh sách các khu vực dân cư. Đồng thời, rà soát, kiểm chứng số liệu điều tra với các nguồn quản lý đối tượng có sẵn tại trạm y tế, công an phường, xã… cập nhật thông tin đối tượng chuyển đến, chuyển đi vào danh sách khi có sự thay đổi để tránh việc bỏ sót trẻ cần tiêm chủng”.
Để giúp trẻ thoải mái hơn khi tiêm chủng và sau tiêm chủng, đồng chí Chung Tấn Thịnh khuyến cáo phụ huynh nên trao đổi, động viên và cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, thực hiện khuyến cáo 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm; theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: