01/08/2022 14:19
Nhiều vợ chồng mới cưới và sinh con đầu lòng suy nghĩ đơn giản vợ chồng khỏe mạnh thì sinh con ra khỏe mạnh, không phải sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Chị Lê Phương Thảo, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) mang thai tuần thứ 11, chị đi siêu âm, bác sĩ cho biết sức khỏe hai mẹ con bình thường. Khi được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm để sàng lọc trước sinh, chị Thảo từ chối vì nghĩ không cần thiết. Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, quan niệm về sàng lọc trước sinh là không đúng cần phải thay đổi để giúp các bà mẹ sinh con khỏe mạnh.
Quá trình mang thai, người phụ nữ cần được sàng lọc trước sinh để phát hiện và điều trị kịp thời tật, bệnh của thai nhi. Vợ chồng trẻ có ý định sinh con và người thân nên lưu ý:
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp thai nhi mắc bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau và dị tật ống thần kinh... Từ đó tư vấn cho thai phụ và gia đình chọn hướng xử trí kịp thời và thích hợp. sàng lọc trước sinh SLTS mang lại nhiều lợi ích:
Người nhà cùng các bé sơ sinh trong phòng chờ chuẩn bị lấy máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Sinh con khỏe mạnh hơn, trong đó việc kiểm soát tình hình phát triển và sức khỏe của con là cơ sở quan trọng để phụ nữ mang thai lên kế hoạch chăm sóc thai kỳ, bổ sung dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe phù hợp. Điều này giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Giảm lo lắng về việc sinh con bị dị tật. Phụ nữ mang thai thường lo lắng về việc liệu mình chăm sóc thai kỳ đúng cách chưa, con khỏe mạnh không, có vấn đề gì cần sửa không. Do đó, việc nhận kết quả sàng lọc an toàn giúp mẹ giảm nỗi lo này và yên tâm với kế hoạch chăm sóc, rèn luyện trong thai kỳ của mình. Khi tâm trạng của mẹ vui, tích cực, em bé chào đời ngoan, khỏe mạnh và tư duy tốt hơn.
Có thể chọn giữ hoặc loại bỏ thai dị tật. Trường hợp nhận kết quả sàng lọc không mong muốn, bác sĩ tiếp tục thực hiện những bước kiểm tra y tế để tư vấn chính xác nhất cho gia đình. Lúc này, bạn có thể bàn với người thân trong gia đình quyết định tiếp tục thai kỳ hay đình chỉ sớm để đảm bảo sức khỏe và giảm gánh nặng cho gia đình.
Lên kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho thai nhi. Thông qua những chỉ số SLTS, mẹ được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc phù hợp để thai nhi có điều kiện phát triển tốt nhất, giảm vấn đề liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, gia đình được chuẩn bị tâm lý và tinh thần để chăm sóc con sau khi chào đời.
Giảm chi phí, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc can thiệp y tế kịp thời với những vấn đề bất thường ở thai nhi giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe của bé. Hơn nữa gánh nặng chi phí cho công tác điều trị từ sớm hay thậm chí là dừng thai kỳ nhỏ hơn nhiều so việc can thiệp muộn hay sinh ra trẻ mắc phải các dị tật không thể chữa được.
Cải thiện chất lượng dân số. Đối với cộng đồng, chất lượng công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em quyết định đến chất lượng dân số. Mỗi gia đình là tế bào quan trọng của xã hội. Việc sinh con khỏe mạnh, an toàn góp phần không nhỏ trong việc tạo nền móng cho đất nước phát triển và giảm gánh nặng xã hội.
Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày dân số Việt Nam (26-12) năm nay có chủ đề: “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững” với những thông điệp cụ thể như tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân vì tương lai hạnh phúc của chính bạn. Tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần hạn chế dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Phụ nữ mang thai thực hiện SLTS là hành động thiết thực để hưởng ứng thông điệp đó.
Bài và ảnh: TUẤN NGHĨA
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: