01/08/2022 14:16
Với triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi, ông T, ngụ phường Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá) đến phòng khám tư nhân điều trị 5 ngày nhưng chưa khỏi. Sau đó, ông nhập viện Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang điều trị, đến ngày thứ 3 sức khỏe phục hồi. “Bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh sốt siêu vi, thông thường nếu sức đề kháng của tôi tốt thì bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh của tôi diễn biến nặng, nhờ nhập viện kịp thời nên điều trị hiệu quả”, ông T nói.
Từ tháng 9-2020 đến nay, tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có 154 trường hợp nhiễm siêu vi, nhập viện điều trị nội trú. Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc bệnh sốt siêu vi có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân do thời tiết giao mùa, bắt đầu lạnh, thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Ngoài ra, bệnh này lây qua đường hô hấp, nếu một người mắc bệnh mà không tuân thủ việc đeo khẩu trang, khi tiếp xúc với mọi người xung quanh sẽ dễ lây bệnh cho người khác. Do đó, thường 1 người trong gia đình mắc bệnh thì sẽ lây cho các thành viên còn lại”.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thăm khám sức khỏe bệnh nhân.
Điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bà N, ngụ phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Tôi có tiền sử bệnh viêm xoang, thời tiết thay đổi tôi hay đau đầu. Lần này thêm sốt, ho, sổ mũi và đau đầu nhiều nên tôi nhập viện điều trị. Bác sĩ nói tôi bị nhiễm siêu vi, điều trị khoảng 3 ngày thì hết sốt. Con tôi cũng có biểu hiện sốt, chảy nước mũi nhưng triệu chứng không nặng, ở nhà nghỉ ngơi, tự hồi phục sức khỏe”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình, sốt siêu vi hay còn được gọi là nhiễm siêu vi là tình trạng sốt cấp tính do nhiễm các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Đây là nhóm bệnh gặp phổ biến ở người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc. Đa phần bệnh nhân nhiễm siêu vi đường hô hấp gây cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi… Bệnh thường kéo dài từ 7 - 8 ngày, không gây nguy hiểm, khi được điều trị tích cực, bệnh nhanh giảm. Tuy nhiên, mọi người không nên chủ quan bởi vì bệnh diễn biến nhanh, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm.
Bệnh sốt siêu vi chủ yếu lây qua đường hô hấp và thông qua các hoạt động như giao tiếp, ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch mũi của bệnh nhân. Bệnh khởi phát với các triệu chứng như sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho khan, khàn tiếng, đau rát họng, đau đầu… Ngoài ra, bệnh nhân nặng có thể kèm các triệu chứng như đau đầu nhiều, nôn ói, lơ mơ, khó thở…
Nếu bệnh nhân mắc bệnh với triệu chứng nhẹ có thể điều trị ngoại trú, nghỉ ngơi tại nhà, tăng cường sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác… Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nặng như sốt cao, đau đầu nhiều, lừ đừ, đau ngực, khạc đàm xanh, khó thở… thì đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để phòng bệnh sốt siêu vi, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình khuyến cáo, bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cơ thể; thường xuyên vệ sinh nhà cửa cũng như môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát… và tiêm ngừa vaccine phòng bệnh như vaccine ngừa cúm.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: