13/11/2024 14:38
LỨA TUỔI MẮC BỆNH NGÀY CÀNG TRẺ HÓA
Theo Bộ Y tế, đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến trên thế giới, đang gia tăng. Năm 2021, số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu khoảng 537 triệu người, dự đoán tăng lên 643 triệu người vào năm 2030.
Tại Việt Nam, năm 2020 cả nước có gần 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm 7,3% dân số. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 10-12% dân số. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 300-400 bệnh nhân đái tháo đường đến khám bệnh; điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp khoảng 70 bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính - Trưởng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính - Trưởng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết bệnh đái tháo đường gây ra các biến chứng nặng nề, là nguyên nhân chính dẫn đến suy thận. Biến chứng mắt, làm gia tăng bệnh võng mạc hay đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa. Biến chứng tim mạch như hẹp động mạch vành do xơ vữa mạch máu gây ra thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, suy tim.
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn gây biến chứng mạch máu ngoại biên, có thể gây ra hoại tử bàn chân; biến chứng mạch máu não; biến chứng bàn chân đái tháo đường, thường gây tàn phế do đoạn chi…
“Đáng lo ngại là lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, có bệnh nhân chỉ khoảng 15-16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều bia, rượu và ít vận động… Nếu bệnh này phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời và thường xuyên sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm lên các bộ phận khác của cơ thể, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân”, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính nói.
PHÒNG BIẾN CHỨNG
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính cho biết: “Tuy bệnh đái tháo đường gây ra những biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu người bệnh kiểm soát tốt đường huyết hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc làm chậm, làm giảm các biến chứng của bệnh gây ra”.
Tính đến nay, bà Đỗ Thị Thu 64 tuổi, ngụ phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) mắc bệnh đái tháo đường 14 năm, nhưng chưa ghi nhận biến chứng nguy hiểm nhờ kiểm soát tốt đường huyết. “Tôi duy trì điều trị, tái khám định kỳ, thay đổi thói quen ăn uống, tuân thủ các chế dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn nên tình hình sức khỏe ổn định, có thể sinh hoạt, làm việc như người bình thường”, bà Thu nói.
Một số dấu hiệu để nhận biết mắc bệnh đái tháo đường như cảm thấy khát nước và uống nhiều nước hơn bình thường, đi tiểu nhiều lần, cơ thể thường mệt mỏi; ăn nhiều nhưng bị sụt cân; thị lực giảm sút, viêm nướu, xuất hiện nhiều vết thâm nám, vết thương lâu lành…
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính - Trưởng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.
Ông Nguyễn Phước Thanh Tú 56 tuổi, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) cho biết: “Hơn 2 tháng trước, tôi thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần nên đi kiểm tra đường huyết mới phát hiện mắc bệnh đái tháo đường. Bác sĩ cho biết đường huyết của tôi tăng khá cao nên phải duy trì uống thuốc, thay đổi lối sống, ăn uống, sinh hoạt để phòng biến chứng, duy trì sức khỏe ổn định”.
Để phòng bệnh đái tháo đường, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Văn Tính khuyến cáo mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc, không lạm dụng rượu, bia để phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung. Người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, nhất là người trên 40 tuổi để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Ngoài công tác truyền thông, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức khám sàng lọc tầm soát bệnh đái tháo đường cho người dân. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Xuân - Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trung tâm triển khai chương trình khám sàng lọc bệnh đái tháo đường miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên tại 19 xã thuộc 7 huyện, thành phố. Chương trình nhằm tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường ngoài cộng đồng để đưa vào danh sách quản lý điều trị, phòng biến chứng; đồng thời lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh đái tháo đường”.
Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường được Liên đoàn đái tháo đường quốc tế (IDF) chọn ngày 14-11 hàng năm để tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường. Chiến dịch này được phát động vào năm 1991 và mỗi năm tập trung một chủ đề liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Mắc COVID-19 có thể hồi phục sức khỏe sau vài tuần, tuy nhiên một số người gặp các rối loạn tâm thần sau khi mắc COVID-19 như liên quan đến cảm xúc, khí sắc và mất ngủ. Người mắc các biến chứng tâm thần hậu COVID-19 có thể điều trị bằng thuốc kết hợp các biện pháp hỗ trợ để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tổng số lượt truy cập: