09/08/2023 15:33
Theo Hội Gan mật Việt Nam, tại Việt Nam cứ 100 người nhiễm siêu vi viêm gan C thì có 75-85 người nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính, 5-20 người sẽ bị xơ gan trong thời gian từ 20-30 năm, 1-5 người tử vong do viêm gan siêu vi C tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Tại Kiên Giang, ghi nhận số liệu khảo sát của Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trên những đối tượng hiến máu tình nguyện, toàn tỉnh tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi C là 1%. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn ngoài cộng đồng chưa được phát hiện hoặc chưa tiếp nhận các biện pháp điều trị.
Người dân đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang xét nghiệm tầm soát các bệnh truyền nhiễm qua đường máu, trong đó có viêm gan siêu vi C.
Mắc bệnh viêm gan siêu vi C gần 4 năm nay nhưng ông T.M.S, ngụ TP. Rạch Giá chủ quan không đi điều trị nên sức khỏe ngày càng suy giảm. “Một lần xét nghiệm máu tôi phát hiện bị viêm gan siêu vi C, nhưng nghe nhiều người nói bệnh này điều trị cũng không khỏi, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi chưa điều trị”, ông S nói.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh viêm gan siêu vi C cấp tính không có triệu chứng gì đặc biệt, 15% bệnh nhân tự khỏi, khoảng 85% trường hợp bệnh cấp tính chuyển thành mạn tính. Đặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng, không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Nhiều trường hợp bệnh chỉ phát hiện khi có biến chứng nặng như xơ gan, giãn mạch máu đường tiêu hóa, ung thư gan... Khi đó bệnh nhân có thể có những triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đau vùng gan, phù chân, bụng báng có nước... Người dân khi nghi ngờ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế thực hiện các xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình cho biết: “Bệnh viêm gan siêu vi C do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra, lây truyền qua 3 đường là đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh. Tuy vậy, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C chủ yếu theo đường máu như người nhận máu hoặc chế phẩm máu nhiễm virus siêu vi C, dùng chung kim tiêm nhiễm virus siêu vi C, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm có chứa virus siêu vi C... Ngoài ra, bệnh còn lây truyền qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như dụng cụ nặn mụn, kềm cắt móng tay, dụng cụ cạo râu, bấm lỗ tai, xăm hình, kim châm cứu...”. Để phòng nhiễm virus viêm gan C phải sàng lọc máu bằng các xét nghiệm mà có độ nhạy, độ đặc hiệu cao khi tiếp nhận người hiến máu; tuyệt đối vô khuẩn các dụng cụ y tế liên quan đến người bệnh trong công việc hàng ngày; không dùng chung kim tiêm, đồ vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục an toàn.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện điều trị bệnh viêm gan siêu vi C bằng thuốc uống. Thời gian điều trị khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng đối với bệnh nhân kháng thuốc hoặc điều trị thất bại với lần điều trị trước đó. Đối với những bệnh nhân viêm gan siêu vi C kèm theo suy thận vẫn có thể điều trị được. Kết quả dùng thuốc điều trị kháng virus siêu vi C có thể đạt hiệu quả từ 97-99%.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: