01/08/2022 14:19
Ngày 17-3-2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xem công tác phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Theo đó, Sở Y tế xây dựng phương hướng, kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh giảm 30% người mắc bệnh lao trong cộng đồng so cuối năm 2015, nghĩa là giảm số người mắc lao trong cộng đồng từ 199/100.000 người dân (năm 2015) còn 146/100.000 người (năm 2020)... Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có trên 18.600 người dân xét nghiệm đàm, 85% trở lên bệnh nhân điều trị khỏi bệnh…
Bác sĩ chuyên khoa I Võ Dương Hòa - Trưởng Khoa Khám bệnh hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết: “Để thực hiện đạt mục tiêu phòng, chống bệnh lao đề ra phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền về bệnh lao để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa hiểu đúng về bệnh lao và chủ động đến các cơ sở y tế xét nghiệm khi nghi ngờ mắc bệnh. Các cơ sở y tế sớm phát hiện bệnh lao mới để quản lý, điều trị hiệu quả và hạn chế bệnh lao lây lan trong cộng đồng”. Nhờ vậy, năm 2020, toàn tỉnh có trên 16.350 người xét nghiệm đàm; qua đó phát hiện gần 2.700 người mắc bệnh lao, đã điều trị thành công trên 2.440 bệnh nhân, đạt 91% vượt chỉ tiêu đề ra (điều trị bệnh thành công đạt 85% trở lên), tăng so năm 2019 (đạt trên 87%).
Bác sĩ chuyên khoa I Võ Dương Hòa - Trưởng Khoa Khám bệnh hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tư vấn người nhà bệnh nhân theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Võ Dương Hòa - Trưởng Khoa Khám bệnh hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên, không phải là bệnh di truyền. Một người bệnh lao phổi không điều trị, trong một năm có thể làm lây bệnh cho 10 - 15 người khác. Trong số đó có người tiếp tục trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị đúng nguyên tắc. Thời gian điều trị bệnh lao kéo dài và liên tục. Bệnh lao phổi, ngoài phổi mới bị lần đầu tiên thời gian uống thuốc 6 tháng, nếu bị lại lần hai thì thời gian điều trị 8 tháng. Trường hợp bị lao màng não, lao xương khớp, hạch điều trị 12 tháng. Do đó, bệnh nhân cần kiên trì điều trị, nếu bỏ điều trị có thể dẫn đến tử vong hoặc mắc lao đa kháng thuốc, tiền siêu kháng hay siêu kháng thuốc rất khó điều trị.
Điều dưỡng Tạ Bá Tước - nhân viên Khoa Lao - bệnh phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh bơm dịch màng phổi vào ống nghiệm để làm xét nghiệm cho bệnh nhân.
Đang chăm sóc người thân điều trị bệnh tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, chị N.T.M, ngụ thị trấn Thứ Ba (An Biên) chia sẻ: “Chị gái tôi phát hiện mình mắc bệnh lao đã lâu. Lúc ấy, chị rất lo lắng, sợ lây bệnh cho người thân. Do tôi công tác trong ngành y, có kiến thức về bệnh này nên tôi động viên chị kiên trì điều trị. Qua thời gian điều trị, sức khỏe chị ổn định và xét nghiệm âm tính với vi khuẩn lao. Mấy ngày gần đây, chị mệt và ho nhiều nên tôi khuyên chị nhập viện để kiểm tra sức khỏe và có phương án điều trị tốt hơn”.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Việt khuyến cáo, người bệnh lao phải tuân thủ điều trị đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả, đồng thời phải thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh như dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác khi hắt hơi, ho; không khạc nhổ bừa bãi, khạc đàm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh, thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ thoáng) có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, mền, mùng…
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: