14/05/2025 10:23
Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2025 đến nay, khoa tiếp nhận điều trị 5 ca bệnh uốn ván, trong đó có trường hợp nặng phải mở khí quản, thở máy hỗ trợ hô hấp...
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Bình - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, qua điều tra lịch sử bệnh đa số nguyên nhân gây ra bệnh uốn ván là do bệnh nhân đạp đinh, đạp gai, tai nạn giao thông có vết thương. Khi vết thương không được vệ sinh sạch, bị nhiễm trực khuẩn uốn ván và phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh, cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.
Bệnh nhân điều trị bệnh uốn ván tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Vừa qua, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tiếp nhận một bệnh nhân người Campuchia bị uốn ván nặng, suy hô hấp, phải mở khí quản, thở máy. Bệnh biến chứng rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn thân nhiệt, sốc nhiễm trùng… đe dọa tính mạng. Bệnh nhân phải lọc máu, điều trị theo phác đồ uốn ván gần 2 tháng mới hồi phục sức khỏe.
“Tôi bị tai nạn giao thông, có vết thương đầu gối, nghĩ là không sao nhưng không ngờ mắc bệnh uốn ván nặng, điều trị lâu dài, tốn nhiều chi phí và nếu không đến bệnh viện kịp có thể tôi không qua khỏi”, anh Mon Chanh Hia, ngụ tỉnh Kampot (Vương quốc Campuchia) nói.
Bác sĩ Đỗ Thanh Bình cho biết: “Bệnh nhân bị uốn ván không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng như biến chứng hô hấp làm bệnh nhân ngừng thở đột ngột do co thắt hầu họng thanh quản; suy hô hấp do co giật, ứ đọng đàm, bội nhiễm phổi, xẹp phổi. Biến chứng tim mạch gây ngưng tim đột ngột; trụy tim mạch do rối loạn thần kinh thực vật, mất nước, viêm cơ tim, hậu quả suy hô hấp hay sốc nhiễm trùng... hầu hết các biến chứng này đều dẫn đến tử vong”.
Bệnh uốn ván thường bắt đầu bằng triệu chứng co thắt cơ hàm nhẹ, sau đó ảnh hưởng đến các cơ khác trong vùng mặt và các vị trí khác nhau trong cơ thể như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Các triệu chứng khác như sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát...
Người dân đưa trẻ đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang tiêm phòng uốn ván.
Để phòng bệnh uốn ván, bác sĩ Đỗ Thanh Bình khuyến cáo, người dân khi bị vết thương cần phải rửa dưới vòi nước, sát trùng vết thương bằng ôxy già, cố gắng lấy hết dị vật trong vết thương ra; không băng kín vết thương, có thể lấy miếng gạc che vết thương; sau đó đến cơ sở y tế để kiểm tra và xử lý vết thương. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tiêm phòng uốn ván; triển khai chương trình tiêm phòng uốn ván cho nông dân, ngư phủ...
“Chi phí điều trị một bệnh nhân uốn ván nặng có thể lên đến 100 triệu đồng; bệnh nhân uốn ván nhẹ khoảng 50 triệu đồng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kinh tế nên tiêm phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất”, bác sĩ Đỗ Thanh Bình nói.
Sau khi phát hiện con đạp đinh, dù vết thương không sâu và vệ sinh sạch sẽ nhưng anh Nguyễn Văn Linh, ngụ xã Giục Tượng (Châu Thành) vẫn đưa con đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván. “Một mũi tiêm phòng uốn ván không tốn nhiều chi phí nhưng nếu chủ quan, không đi tiêm nếu vết thương nhiễm trùng, có vi khuẩn gây uốn ván thì chi phí điều trị rất lớn và quan trọng là có thể nguy hiểm đến tính mạng nên tôi nghĩ tiêm phòng là rất cần thiết”, anh Linh nói.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.
Tổng số lượt truy cập: