01/11/2023 10:49
Đến khám bệnh tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bà Lê Thị Hoa (65 tuổi), ngụ phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ: “Những ngày gần đây, tôi đau nhức, mệt mỏi, có khi khó thở nên nhờ cháu chở đến bệnh viện khám bệnh. Mỗi khi thời tiết sáng nắng, chiều mưa là sức khỏe tôi không tốt, hay bị đau khớp và huyết áp không ổn định. Tôi không tự ý mua thuốc uống mà đến bệnh viện khám, lấy thuốc uống cho yên tâm”.
Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, tổng số bệnh nhân đến khám tại Khoa Khám bệnh trung bình khoảng 1.800 lượt bệnh/ngày, không tăng so trung bình các tháng trước.
Tuy nhiên, một số phòng bệnh có số lượng bệnh nhân đến khám tăng như khám nhi, tai mũi họng, nội hô hấp…, chủ yếu là trẻ em và người lớn tuổi.
Ngoài ra, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa; các bệnh về da liễu như nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, ngứa do ghẻ; các bệnh viêm phổi, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sốt siêu vi, cảm cúm, cảm nắng… đều tăng.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám và điều trị bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là trưa nắng gắt, chiều mưa lớn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Người lớn tuổi, trẻ nhỏ sức đề kháng kém, cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết, virus dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ phát bệnh do nắng nóng làm cho cơ thể thiếu nước gây mệt mỏi, có thể gây sốc nhiệt…”.
Nằm điều trị bệnh hen tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang hơn 1 tuần, được xuất viện và đến Khoa Khám bệnh tái khám theo chỉ định của bác sĩ, ông Phùng Văn Hiển, ngụ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: “Tôi mắc bệnh hen phế quản hơn 5 năm, khám bệnh và lấy thuốc uống định kỳ. Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết thay đổi thất thường cơ thể tôi mệt mỏi, khó thở phải nhập viện điều trị sức khỏe mới ổn định”.
Mùa nắng nóng, nhiều khói bụi và người dân có nhu cầu uống nước đá để giải khát dễ dẫn đến viêm họng; thức ăn dễ bị ôi thiu có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa. Người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng dễ phát bệnh…
Để phòng tránh các bệnh có thể mắc vào mùa nắng nóng, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng khuyến cáo nếu không thật sự cần thiết người dân không nên ra đường lúc trời nắng gắt và không ở ngoài nắng quá lâu, rất dễ bị bệnh, nhất là say nắng.
Người dân cần ăn chín uống chín, uống nhiều nước, hạn chế uống nước đá để tránh bị viêm họng. Tránh thay đổi đột ngột từ phòng có điều hòa ra ngoài môi trường, không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp; trước khi ra ngoài phải tắt điều hòa từ 10-15 phút, sau đó mới ra ngoài, nhất là trẻ em.
Người dân cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người, giữ môi trường sống, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời bổ sung dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: