08/03/2024 13:37
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết ngay khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện chế độ báo cáo về các tuyến theo quy định; phối hợp trung tâm y tế các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, nhất là 3 huyện, thành phố có ca bệnh tiến hành điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch; lập danh sách và theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần; truyền thông hướng dẫn các đối tượng tiếp xúc với ca bệnh đến cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ...
“Qua điều tra dịch tễ, 3 trường hợp bệnh nhân trên thuộc 3 địa phương khác nhau và nguồn lây bệnh không liên quan đến nhau. Từ ngày 23-2 khi phát hiện ca bệnh thứ 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát hiện thêm chùm ca lây nhiễm mới liên quan đến các ca bệnh. Hiện tỉnh vẫn đang kiểm soát chặt chẽ tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, nỗ lực khống chế, không để bệnh lây lan trong cộng đồng”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh nói.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang thực hiện theo Quyết định số 465/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ngày 29-2-2024 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; tiếp tục tham mưu Sở Y tế triển khai hướng dẫn công tác dự phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các tuyến trong toàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông cho người dân về biện pháp phòng, nhận biết dấu hiệu của bệnh, nếu có nghi ngờ đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang chuẩn bị tài liệu tuyên truyền công tác dự phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các tuyến y tế trong tỉnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh cho biết: “Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của trung tâm phân công nhiệm vụ cho từng nhân viên trong khoa phụ trách từng địa bàn, phối hợp, giám sát, theo dõi công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng. Khi phát hiện ca bệnh phải kịp thời xử lý, điều tra dịch tễ, truy vết theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Theo tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp khi quan hệ tình dục, tiếp xúc với tổn thương da, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong, đặc biệt trên nhóm người bị suy giảm miễn dịch nặng. Bệnh có vaccine phòng bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp có tổn thương trên da, niêm mạc nghi bệnh đậu mùa khỉ (đặc biệt trên nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, suy giảm miễn dịch) và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp nghi ngờ bệnh qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Ngoài tiêm vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ gồm tránh tiếp xúc với người hoặc động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ). Tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh. Cách ly, điều trị người bệnh tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy theo tình trạng bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật nghi ngờ nhiễm bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
Từ đến nay, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, cụ thể: 1 trường hợp bệnh nhân tại huyện An Biên, phát hiện bệnh ngày 17-1, tử vong ngày 5-2, trên nền bệnh nhân có HIV giai đoạn cuối, bỏ điều trị thuốc kháng virus từ năm 2017; trường hợp bệnh nhân thứ 2 phát hiện ngày 29-1 tại huyện Giồng Riềng và trường hợp thứ 3 phát hiện ngày 23-2, quê Đồng Tháp đến TP. Phú Quốc làm việc. Cả 2 trường hợp bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định.
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: