18/07/2023 18:07
Hội chứng cushing do thuốc hay hội chứng cushing ngoại sinh là trường hợp lạm dụng corticoid liều lượng cao trong thời gian dài, dẫn đến dư thừa lượng cortisol trong cơ thể. Theo số liệu y khoa, hàng năm hội chứng cushing ngoại sinh là trường hợp thường gặp trên lâm sàng.
Do đặc tính kháng viêm của corticoid quá tốt nên thường bị lạm dụng trong việc sản xuất thuốc tân dược, dược liệu hay dạng bôi ngoài da không rõ nguồn gốc. Một số loại bệnh lý điển hình cần sử dụng thuốc có thành phần corticoid như viêm khớp dạng thấp, thấp khớp, hen phế quản, dị ứng…
Trên thị trường corticoid được sản xuất ở nhiều dạng dùng khác nhau như dạng viên, dạng hít, dạng tiêm truyền, dạng bôi ngoài da… Thời gian gần đây, một số bệnh nhân sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, hay các chế phẩm chứa corticoid tại phòng khám tư nhân nhằm giảm đau, chống dị ứng nhưng lạm dụng liều lượng.
Bác sĩ chuyên khoa I Hà Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Khoa Nội tiết - cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khám bệnh cho bệnh nhân mắc hội chứng cushing. Ảnh: PHƯỢNG LÊ
Đang điều trị tại Khoa Nội tiết - cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, bà Danh Thị Xà Rinh, ngụ xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: “Mỗi khi đau nhức, tôi mua thuốc uống từ người bán thuốc dạo từ An Giang, ngày uống 2 lần, kéo dài được thời gian”.
Cùng điều trị tại Khoa Nội tiết - cơ xương khớp, bà Phan Thị Cúc, ngụ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nói: “10 năm nay, mỗi khi đau nhức tôi tự ý mua thuốc tây về uống”. Hiện triệu chứng cushing ở các bệnh nhân trên hiện rõ với các triệu chứng như vết bầm tím trên da, da mỏng.
Hội chứng cushing với các dấu hiệu muộn và kín đáo, thường để lại những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Để phòng hội chứng cushing, người dân luôn sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc không được bác sĩ kê toa (kể cả thuốc đông y) trong điều trị các bệnh lý xương khớp hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang… có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh đều có nguồn gốc từ corticoid. Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc về sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ rất dễ gây ra hội chứng cushing.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Thu Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Kiên Giang cho biết: “Người bệnh đến điều trị tại bệnh viện đa số là các bệnh lý về cơ xương khớp. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, bệnh lý về cơ xương khớp chiếm 80%, tăng 21% so cùng kỳ năm 2022. Trong điều trị bệnh lý về cơ xương khớp, đa số các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau. Tuy nhiên, đây là thuốc nếu sử dụng không cân nhắc dẫn đến tác dụng phụ. Người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc”.
Bệnh nhân khi có hội chứng cushing nên ăn ít mỡ và các thực phẩm, thức uống chứa ít năng lượng, tăng cường rau quả trong bữa ăn; tăng cường vận động, luyện tập thể dục, thể thao. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng huyết áp, đường huyết, mật độ xương. Người bệnh cần tái khám đúng hẹn để được điều chỉnh thuốc phù hợp, không dùng lại đơn thuốc cũ.
HIẾU TRANG
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: