23/08/2023 13:57
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ước mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó từ 2-3% trẻ mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, thalassemia (tan máu bẩm sinh)...
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: “Dị tật ở thai nhi là vấn đề khiến các bậc cha mẹ lo lắng bởi bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ mà còn gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sàng lọc trước sinh là phương pháp giúp phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh ở thai nhi ngay khi còn trong bụng mẹ, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn, đưa ra hướng can thiệp hay điều trị”.
Phụ nữ mang thai đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang khám định kỳ, theo dõi sức khỏe và được tư vấn sàng lọc trước sinh.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh, nhiều loại dị tật thai nhi có thể được chẩn đoán trong thai kỳ bằng siêu âm và sàng lọc chuyên sâu hơn như xét nghiệm máu và chọc ối (lấy mẫu nước ối)... Nguyên nhân gây dị tật thai nhi như vấn đề di truyền, tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, nhiễm trùng khi mang thai…
Do đó, khám sàng lọc và chẩn đoán trước sinh là việc làm cần thiết, giúp thai phụ sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường, có kế hoạch chăm sóc thai nhi phù hợp, hạn chế dị tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang khám thai định kỳ, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm, ngụ xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Khi phát hiện mang thai, tôi đến trung tâm khám định kỳ để được bác sĩ tư vấn, chăm sóc và khám sàng lọc trước sinh. Hiện thai nhi phát triển tốt nên tôi khá yên tâm”.
Cử nhân Huỳnh Xuân Thụy - Phó trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: “100% sản phụ đến trung tâm khám thai được tư vấn khám sàng lọc dị tật bẩm sinh. Khi phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc thai kỳ; sau đó được siêu âm, đo độ mờ da gáy của thai nhi kết hợp lấy máu xét nghiệm tiền sản. Nhờ khám sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, các gia đình được tư vấn biện pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật, khuyết tật nặng”.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cần khám sàng lọc để sớm phát hiện các bệnh bẩm sinh để điều trị kịp thời, trong đó đáng lo ngại là bệnh tim bẩm sinh.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hải Đăng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết: “Các bệnh về tim nếu phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị sẽ càng tốt. Phụ huynh cần quan tâm hơn sức khỏe của trẻ, nếu có các biểu hiện bệnh lý về tim nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh và điều trị kịp thời”.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: