01/08/2022 13:58
NHIỀU TRƯỜNG HỢP TÁI NHIỄM COVID-19
Được tiêm 3 liều vaccine và từng mắc COVID-19, chị Đ.T.D, ngụ phường An Hòa (TP. Rạch Giá) không nghĩ chị tiếp tục trở thành F0 sau gần 4 tháng từ khi điều trị khỏi bệnh COVID-19 tại nhà. “Do gia đình có người thân mắc COVID-19, sau vài ngày tôi thấy mình lại có triệu chứng nghẹt mũi, đau họng, sốt nhẹ… nên test lại thì bất ngờ khi mình lại dương tính với virus SARS-CoV-2. Mắc COVID-19 lần này, triệu chứng của tôi nhẹ hơn, không khó thở như lần trước nhưng cảm giác mệt mỏi, nhức mình, ho kéo dài. Sau khi khỏi bệnh lần đầu, tôi bị rụng tóc, đôi khi mất ngủ. Mắc COVID-19 lần này, tôi không biết có thêm di chứng gì không”, chị D nói.
Tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 được 1 tuần thì chị L.T.Q, ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) mắc COVID-19. Triệu chứng ban đầu của chị gồm đau họng, mệt mỏi, sốt cao, ho và sau đó là mất vị giác. Sau khi khỏi bệnh, chị Q vẫn bị khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc nhiều, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực mỗi khi vận động mạnh, sức đề kháng giảm sút, bị mất ngủ kéo dài. Sau khi khám hậu COVID-19, bác sĩ cho biết chị Q bị men gan tăng cao, phổi hoạt động 75%.
Chị Q chia sẻ: “Sau khi mắc COVID-19 lần đầu, sức khỏe tôi giảm nhiều và tôi tìm hiểu thấy vẫn có thể tái nhiễm COVID-19 nên tôi chú ý phòng tránh. Tuy nhiên, do đặc thù công việc tiếp xúc với nhiều người, tôi vừa phát hiện mình tái nhiễm COVID-19 lần 2 chỉ cách lần đầu khoảng 2 tháng. Mắc COVID-19 lần này, tôi mệt mỏi và cơ thể nặng nề hơn do vẫn còn di chứng hậu COVID-19”.
Nhân viên nhà thuốc An Khang tại TP. Rạch Giá tư vấn cho người dân khi mua thuốc tăng cường sức đề kháng, phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Không chỉ có trường hợp tái nhiễm COVID-19 lần 2, thậm chí có người tái nhiễm lần 3. Mỗi lần mắc bệnh đều vượt qua nhưng sức khỏe ít nhiều đều ảnh hưởng.
VÌ SAO TÁI NHIỄM COVID-19 ?
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm thu dung, điều trị COVID-19 tỉnh khẳng định: “Khi mắc COVID-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính chất bền vững vì có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Một người sau khi mắc bệnh COVID-19 sẽ không “bất tử” mà có thể mắc bệnh COVID-19 nhiều lần và số lần hoàn toàn không có hạn định, người bệnh có thể mắc biến chủng này và lần sau mắc biến chủng khác”.
Cũng theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Bình, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm RT-PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus khi đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên. Nhiều nghiên cứu cho thấy những đợt tái nhiễm nhẹ hơn so lần mắc bệnh đầu tiên.
Với những người chưa tiêm vaccine hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch kém sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so những người khác. Mặc dù tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 không cao nhưng người bị tái nhiễm là người có cơ địa miễn dịch giảm, tuổi cao, nhiều bệnh nền, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau tái nhiễm COVID-19 phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh quá gần nhau và cơ địa bệnh nền của mỗi bệnh nhân.
Do đó, những người mắc COVID-19 khỏi bệnh không được chủ quan, cần tăng cường miễn dịch bằng việc tập luyện thể dục, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, thực hiện thông điệp 5K. Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Vaccine không thể bảo vệ 100% người được tiêm không mắc COVID-19 nhưng vaccine giúp nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn hoặc khi mắc bệnh hoặc tái nhiễm thì triệu chứng nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong và giảm khả năng lây nhiễm cho người xung quanh.
Bài và ảnh: KHÁNH LAM
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: