27/09/2023 13:34
Đầu năm 2023 đến nay, Kiên Giang ghi nhận 1.829 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 46,3% so cùng kỳ năm 2022 (3.407 ca), trong đó có 1 ca tử vong, 92 ca nặng. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là TP. Phú Quốc 521 ca, huyện Kiên Lương 256 ca, TP. Hà Tiên 212 ca, TP. Rạch Giá 181 ca…
Bác sĩ Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang nhận định thời gian tới tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng do bước vào mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
"Ngành y tế tỉnh đang triển khai phòng, chống dịch ở tất cả các huyện, thành phố, nhất là những địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết”, bác sĩ Chung Tấn Thịnh nói.
Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phối hợp các hội, đoàn thể phát tờ rơi, tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Nhiều năm qua, TP. Rạch Giá ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao so các địa phương khác. Năm nay, nhờ đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh từ sớm nên số ca mắc sốt xuất huyết thành phố giảm. Hiện địa phương này có số ca sốt xuất huyết đứng thứ 4 toàn tỉnh và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cùng trạm y tế xã, phường giám sát địa bàn, hộ gia đình tại vùng có dịch và vùng nguy cơ có dịch để kiểm tra, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng sinh hoạt nơi muỗi có thể sinh sản để hướng dẫn gia đình tiêu diệt lăng quăng.
"Hàng năm, trung tâm chọn 1 phường hoặc xã làm điểm triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Các phường, xã chọn 1 khu khố hoặc 1 ấp làm điểm sau đó triển khai toàn địa bàn. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Hội chia sẻ.
Ngoài ra, trước khi bước vào năm học mới, Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức phun hóa chất cho các điểm trường trên địa bàn để tiêu diệt muỗi, ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh. Vận động các điểm trường, hộ gia đình diệt lăng quăng, thu gom phế thải, vật dụng ứ đọng nước ngăn chặn sự sinh trưởng của muỗi.
Bà Mai Thị Hằng, ngụ khu phố 2, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ, môi trường ẩm thấp nên có nhiều muỗi, nhất là vào mùa mưa. Khi đến trạm y tế phường khám bệnh, tôi được phát tờ rơi, tuyên truyền biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi… tôi làm theo. Một thời gian, tôi thấy muỗi ở nhà giảm nhiều”.
Bác sĩ Trần Hoài Linh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khuyến cáo: “Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân sốt tái đi tái lại 3 ngày phải đến cơ sở y tế xét nghiệm máu, tầm soát bệnh sốt xuất huyết sớm để điều trị kịp thời. Nếu nhập viện trễ, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn, kéo dài, tốn kém và có thể ảnh hưởng đến tính mạng”.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Quyền Trưởng Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) Lý Thành Du cho biết trung tâm vừa cấp cứu và điều trị thành công trường hợp nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Tổng số lượt truy cập: