13/12/2023 13:51
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang tiếp nhận tư vấn, điều trị ngoại trú từ 80-100 bệnh nhân, trong đó có 1/3 mắc hội chứng overthinking.
Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Tường Minh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang cho biết hội chứng overthinking được hiểu là tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Nhưng cần phân biệt giữa suy nghĩ sinh lý và bệnh lý. Suy nghĩ sinh lý là bình thường.
Bác sĩ Lê Nguyễn Hải Đỉnh - Quyền Trưởng Khoa điều trị bệnh nhân nam Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang điều trị cho bệnh nhân vượt qua hội chứng overthinking.
Suy nghĩ nhiều dạng bệnh lý được xem là hội chứng overthinking. Đây là dạng suy nghĩ nhiều chủ đề, không có yếu tố bên ngoài tác động hoặc chỉ là yếu tố không đáng quan tâm nhưng người bệnh không thể điều khiển suy nghĩ theo ý muốn của mình, trong đầu xuất hiện những suy nghĩ liên tục và nhiều chủ đề không rõ ràng. Người mắc hội chứng này kèm rối loạn thần kinh thực vật như hồi hộp, đổ mồ hôi, có cơn nóng hoặc lạnh, mắc tiểu nhiều lần, khó thở...
Được chẩn đoán mắc hội chứng overthinking, đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh hơn 3 tuần, sức khỏe anh T.T.T, ngụ xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) dần hồi phục, mọi sinh hoạt gần trở lại bình thường.
“Trong đầu tôi luôn xuất hiện những suy nghĩ không thể kiểm soát. Tôi lo nghèo, lo mắc bệnh, lo gặp tai nạn... Những suy nghĩ đó xuất hiện liên tục, tôi không ăn, ngủ được, bế tắc, mệt mỏi. Sau khi được bác sĩ tư vấn, điều trị, tinh thần và thể chất của tôi dần trở lại trạng thái bình thường”, anh T chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Tường, có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng như người mắc gặp chuyện đau buồn, khó khăn trong cuộc sống. Có người vì cầu toàn hoặc ám ảnh, căng thẳng trong công việc. Và cũng có trường hợp gia đình mắc vấn đề sức khỏe tâm thần... Đa số người bệnh không chấp nhận hoặc không biết mình mắc bệnh.
Người mắc hội chứng overthinking kéo dài, không được tư vấn, điều trị sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và thể chất. Người bệnh không có niềm vui, không tìm thấy tương lai trong cuộc sống... Bệnh nặng dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, nặng nhất là người bệnh có thể tự sát.
Để phòng và vượt qua hội chứng overthinking, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Tường Minh khuyến cáo người có biểu hiện lo lắng vô cớ kéo dài trên 2 tuần với nhiều chủ đề... cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị. Điều quan trọng là học cách thích nghi với cuộc sống, cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời; chấp nhận khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực.
Ngoài ra, hoạt động thể dục, thể thao là cần thiết và hiệu quả đối với người mắc hội chứng overthinking. Mỗi người nên dành thời gian thư giãn, chăm sóc giấc ngủ, nghỉ ngơi hợp lý...
Bài và ảnh: MI NI
(KGO) - Ngày 6-10, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang và Câu lạc bộ Ngân hàng máu tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình “Chủ nhật đỏ” năm 2024, với thông điệp “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”.
Tổng số lượt truy cập: