05/12/2023 19:28
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất Đào Xuân Nha, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đại đa số người dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc huy động sự tham gia đóng góp của người dân để xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn.
Ước tính từ năm 2021-2023, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện 840,9 tỷ đồng. Huyện tập trung đầu tư nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, y tế, cơ sở vật chất văn hóa…; từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện Hòn Đất có 84,76km đường đã được bê tông hóa; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,07%; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Các trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, trang bị đầy đủ đồ dùng phục vụ dạy và học.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được huyện tăng cường. Toàn huyện có 12/12 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ y bác sĩ được phân công, điều động về các trạm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân trên địa bàn vùng nông thôn.
Đường giao thông xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) được đầu tư nhựa hóa giúp người dân đi lại thuận tiện.
Xác định mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, vì vậy, huyện Hòn Đất tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở phát huy những tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Lê Văn Giàu cho biết huyện tiến hành rà soát, điểu chỉnh, bố trí các vùng sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng, gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, trạm bơm, đê bao… nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Huyện duy trì diện tích sản xuất lúa 2 vụ/năm gắn với liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông dân, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong 3 năm 2021-2023, Hòn Đất luôn duy trì sản lượng lúa gạo chất lượng cao trên 1 triệu tấn/năm.
Song song với phát triển sản xuất lúa, hàng năm huyện khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất các loại rau màu, vườn cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất và khai thác đất đai hợp lý.
Nông dân huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu năm 2023.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất cho biết, từ vùng đất trũng phèn, với sự quan tâm đầu tư của huyện xây dựng hệ thống thủy lợi, người dân mạnh dạn thâm canh, tăng vụ, sản xuất 2 vụ lúa/năm, áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp tăng năng suất, sản lượng lúa. Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện hơn trước.
"Bản thân tôi giờ đây khi có kinh tế khá giả, mỗi khi địa phương phát động các phong trào xây dựng nông thôn mới như làm đường, xây cầu, xây nhà cho hộ nghèo,… tôi đều tích cực ủng hộ và tham gia”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay toàn huyện có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, so với đầu nhiệm kỳ tăng 5 xã nông thôn mới. 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là Sơn Bình, Thổ Sơn và Bình Giang.
Đoàn thẩm định của tỉnh Kiên Giang, huyện Hòn Đất đánh giá khả năng Thổ Sơn sẽ đạt chuẩn vào 2023 và Sơn Bình dự kiến sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, Bình Giang dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025. Xã Sơn Kiên và Mỹ Thuận sẽ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Huyện Hòn Đất tiếp tục dồn lực cho các địa phương này để sớm đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình đề ra. Giải pháp được huyện đưa ra là tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình mang tính đòn bẩy để thúc đẩy nông thôn phát triển như giao thông, điện, trường học, nước sinh hoạt.
Huyện chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân gắn với giảm nghèo bền vững; phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tăng cường huy động sự đóng góp từ nhân dân...
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã nông thôn mới tỉnh Kiên Giang đã thống nhất thông qua, đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm 1 xã nông thôn mới, 4 xã nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: