03/02/2023 15:10
DẤN THÂN NƠI TUYẾN ĐẦU
Đặng Phương Anh là sinh viên năm cuối ngành bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trở thành đảng viên khi còn là học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Phương Anh là học sinh giỏi 12 năm liền, bí thư chi đoàn 3 năm học trung học phổ thông.
Không chỉ học giỏi, hăng hái trong công tác Đoàn, Phương Anh còn có nhiều hành động, việc làm thiết thực vì cộng đồng. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, em xung phong thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. “Ba mẹ là đảng viên, mẹ công tác trong ngành y tế. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, dù nhiều người e ngại nhưng em thuyết phục gia đình và tình nguyện thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu”, Phương Anh nói.
Em Đặng Phương Anh (bên trái) - sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ) tháng 12-2021. Ảnh: TÂY HỒ
Phương Anh tham gia vào đội nhập liệu và xử lý số liệu, rồi thực hiện nhiệm vụ truy vết, thu thập thông tin F0, F1, F2 và hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19... Đến tháng 9-2021, thời điểm Kiên Giang rất cần lực lượng y, bác sĩ hỗ trợ chống dịch, Phương Anh tham gia nhóm những sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đăng ký về tỉnh hỗ trợ. “Em được phân công về TP. Hà Tiên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch với lực lượng chức năng của địa phương. Ý thức, trách nhiệm của đảng viên thúc giục em tình nguyện thực hiện nhiệm vụ vì cộng đồng”, Phương Anh bộc bạch.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Kiên Giang phòng, chống dịch COVID-19, Phương Anh trở lại trường thực hiện cách ly 7 ngày và được đi học trở lại. Nhưng tinh thần tình nguyện thôi thúc, Phương Anh tiếp tục đăng ký tham gia đợt đầu tiên vào đội chăm sóc F0 tại nhà 3 tuần liên tiếp tại huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ). Phương Anh đến tận nhà phát thuốc, tư vấn chữa bệnh ban đầu, lấy mẫu, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân... “Với vai trò đảng viên và cũng là bác sĩ tương lai, em muốn dấn thân giúp đỡ mọi người để rèn luyện, có như vậy mới xứng đáng là đảng viên tốt”, Phương Anh chia sẻ.
Trong những năm là sinh viên, Phương Anh còn là “cây” văn nghệ của trường. Em cùng với một số sinh viên khác thành lập câu lạc bộ acoustic, sau đó tham gia vào đội văn nghệ của trường. Từ sinh viên năm 3 đến nay, hầu hết hoạt động trong trường em đều làm MC.
HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ
Em Nguyễn Thanh Duy là sinh viên năm nhất ngành kỹ thuật phần mềm Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Trước đây, Thanh Duy là học sinh giỏi 12 năm liền. Khi học cấp 3 tại Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Thanh Duy là một “cây Đoàn” của trường, được kết nạp Đảng năm học lớp 12.
Khi vào đại học, Thanh Duy tham gia nhiều hoạt động của Đoàn khoa, Đoàn trường như xuân tình nguyện, talkshow, tham gia các cuộc thi, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phiên chợ xuân, vệ sinh môi trường, văn nghệ, thể dục, thể thao...
Thanh Duy tâm sự: “Em phấn đấu học thật giỏi, trau dồi kỹ năng, chuyên môn, tham gia các hoạt động để rèn luyện bản thân xứng đáng là đảng viên”.
Em Nguyễn Thanh Duy - sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nghiên cứu các phần mềm máy tính. Ảnh: TÂY HỒ
Học ngành kỹ thuật phần mềm, điều trăn trở và mong muốn nhất đối với Thanh Duy là xây dựng một mạng xã hội riêng cho ngành giáo dục. “Hiện em đang thành lập nhóm có cùng ý tưởng để xây dựng, lập trình mạng xã hội giáo dục riêng. Mạng xã hội này giúp cho giáo viên, học sinh dạy và học trên nhóm, làm việc trên ứng dụng, quản lý điểm, một mạng xã hội có nhiều công cụ riêng cho giáo dục...”, Thanh Duy cho biết.
Thanh Duy cho rằng người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên phải thường xuyên tham gia vào mạng xã hội nhưng để có thể vừa giải trí vừa học tập, rèn luyện trên môi trường này lành mạnh thì chưa có mạng xã hội đáp ứng tốt. “Hiện thầy và trò, bạn bè trao đổi công việc, học tập đều trên các nhóm Facebook, Viber, Zalo... có ít công cụ hỗ trợ cho việc dạy và học. Điều em ước mơ và tiến hành hiện thực hóa nó là có mạng xã hội riêng cho giáo dục Việt Nam”, Thanh Duy chia sẻ.
Để hiện thực hóa ước mơ của mình, mỗi ngày Thanh Duy dành nhiều giờ đọc sách về công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, trau dồi kiến thức, kỹ năng về máy tính... Hành trình sắp tới của Thanh Duy còn khá dài nhưng em tự tin vào bản lĩnh của mình sẽ vượt qua được khó khăn.
KHÁT KHAO CỐNG HIẾN
Với nhiều sinh viên xa nhà, thời gian nghỉ tết về quê là để nghỉ ngơi, vui chơi nhưng với Lê Lâm Loan - sinh viên năm nhất Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ lại dành thời gian để bán hàng gây quỹ giúp học sinh nghèo.
Tại hội trại mừng Đảng, mừng xuân do Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tổ chức trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Lâm Loan cùng 30 cựu học sinh của trường mở gian hàng bán bao lì xì, phụ kiện để hưởng ứng kế hoạch vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn là con em của những lao động mất việc về quê.
Người nhễ nhại mồ hôi vì lo việc trang trí trại xuân, bày biện hàng hóa, nhưng gương mặt Lâm Loan vẫn tràn đầy năng lượng tích cực vì làm việc ý nghĩa. Lâm Loan nói: “Dù đã ra trường nhưng em mong vẫn được tham gia phong trào ý nghĩa tại ngôi trường mình từng học. Bác Hồ đã nói “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức mình”, gian hàng nhỏ của tụi em góp một phần kinh phí cùng trường chăm lo tết cho các bạn có cuộc sống còn vất vả”.
Em Lê Lâm Loan (bên phải) cùng các cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) bán phụ kiện gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Ảnh: ĐẶNG LINH
Luôn giữ trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, Lâm Loan trở thành thành viên tích cực kết nối các bạn sinh viên xa quê trong Chi hội sinh viên huyện Giồng Riềng tại Trường Đại học Cần Thơ. Gần 1 năm kể từ ngày vinh dự tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lâm Loan vẫn nhớ như in cảm xúc trong ngày trọng đại của cuộc đời.
Lâm Loan kể: “Lúc đứng trên bục tuyên thệ, em rất run, xúc động và xen lẫn niềm tự hào khó tả. Từ giây phút trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, em luôn nhắc mình phải cố gắng thật nhiều để không phụ lòng tin của tổ chức Đảng, của thầy cô giới thiệu, dìu dắt”.
Thầy Phan Văn Út - giáo viên ngữ văn Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng cho biết: “Một trong những học sinh mà tôi được giao hướng dẫn vào Đảng có lẽ ấn tượng nhất là em Nguyễn Quốc Duy, em có tư duy rất tốt trong quá trình học. Quốc Duy là lớp phó học tập, Phó Bí thư Chi đoàn lớp 12C1. Quốc Duy vui vẻ, hoạt bát, năng động, rất nhiệt tình trong các hoạt động phong trào của lớp, luôn giúp đỡ bạn bè”.
Là giáo viên chủ nhiệm nên khi biết Quốc Duy có nguyên vọng thi vào Trường Sĩ quan Chính trị, thầy Phan Văn Út nhiệt tình kèm cặp, dẫn dắt và giới thiệu em vào Đảng. Thầy Út cho rằng thầy mong muốn từ động lực đó giúp Quốc Duy có thêm nghị lực để phấn đấu, rèn luyện, có đủ điều kiện thi đậu vào trường mà em mơ ước.
Đưa cho chúng tôi xem giấy báo nhập học của Trường Sĩ quan Chính trị do Quốc Duy gửi, thầy Phan Văn Út không giấu được vẻ tự hào. “Quốc Duy đậu đại học với 27 điểm cho tổ hợp 3 môn văn, sử, địa. Gia đình, trường rất tự hào về em. Tôi tin với nhiệt huyết của đảng viên trẻ, Quốc Duy sẽ tiếp tục cống hiến sức trẻ, không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để trở thành chiến sĩ ưu tú, đủ bản lĩnh và sẵn sàng cho hành trang trên trong con đường lập thân, lập nghiệp”, thầy Phan Văn Út khẳng định.
VIỆT TIẾN - TÂY HỒ - ĐẶNG LINH
►Bài cuối: Nhiều tổ chức Đảng trường học gặp khó, vì sao?
(KGO) - Năm 2024, Đảng bộ huyện Hòn Đất đã kết nạp mới 167 đảng viên, đạt 119,29% nghị quyết và đạt 163,72% chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện lên 4.644 đảng viên.
Tổng số lượt truy cập: