14/04/2023 09:49
Đến năm 2045, TP. Phú Quốc là một trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái biển đảo đẳng cấp quốc tế. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Theo Tỉnh ủy Kiên Giang, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, nhất là trong 10 năm (2011-2020), việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Kiên Giang đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt bình quân 7,2%/năm, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Công nghiệp phát triển khá, tăng trưởng 6,9% vào năm 2020, đóng góp 13,35% GRDP của tỉnh; đã hình thành một số khu công nghiệp đi vào hoạt động như: khu công nghiệp Thạnh Lộc, Thạnh Yên, cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam.
Nông nghiệp duy trì tăng trưởng ở mức khá và tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Du lịch phát triển mạnh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc; chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng lên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Theo đó quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Kiên Giang, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải bảo đảm chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội; có lộ trình và bước đi phù hợp; ổn định kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới theo hướng công nghiệp hóa hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị thông minh, phát triển kinh tế biển, du lịch chất lượng cao…
Tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực, tiểu vùng và tận dụng lợi thế đường hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông để phát triển các liên kết giao thương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và phát triển hoạt động kinh tế quốc tế; nâng cao đời sống của nhân dân.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm.
- GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 4.520 USD.
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm là 95%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 8,1%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%.
- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế khoảng 35-40%.
- Cơ cấu kinh tế khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 19,1%, công nghiệp-xây dựng chiếm 21,8% (trong đó công nghiệp chiếm hơn 15%), dịch vụ chiếm 53,5% và thuế sản phẩm chiếm 5,6%.
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện (theo giá hiện hành) trong thời kỳ 2021-2030 đạt 448.387 tỷ đồng.
- Tỷ lệ đô thị hóa 50-55%.
- Phấn đấu có 5 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 18%; có ít nhất 2 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 85% và ít nhất 3 cụm công nghiệp đạt trên 60%.
- Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP...
Đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang phấn đầu trở thành một trong những nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu với hệ thống đô thị hiện đại tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo…
Thành phố Rạch Giá trở thành thành phố thương mại dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là thành phố di sản; thành phố Phú Quốc là một trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái biển đảo đẳng cấp quốc tế.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, tỉnh Kiên Giang đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực ngành xây dựng.
Cùng đó, Kiên Giang đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tỉnh tập trung phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai thực hiện chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; bảo đảm tốt an sinh xã hội.
ĐỨC BÌNH
(KGO) - Chiều 11-12, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Minh (Kiên Giang) tổng kết thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024.
Tổng số lượt truy cập: