30/06/2023 13:40
Vợ chồng chị Dương Thị Xà Rây và anh Hồ Văn Vũ, ngụ ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Với 35 triệu đồng vay được, chị Rây thuê 3,5 công đất dài hạn để làm rẫy cải thiện cuộc sống. Nhờ thu nhập ổn định từ làm rẫy giúp vợ chồng chị Rây vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2021.
Những ngày này, vợ chồng chị Rây thu hoạch dưa gang và đang xuống vụ dưa hấu. Chị Rây cho biết 3,5 công đất chị trồng dưa gang và dưa hấu cho thu nhập khá. Mỗi vụ dưa khoảng 2 tháng, dưa gang vụ này chị trồng năng suất không cao, bán được khoảng 14 triệu đồng, lãi 4 triệu đồng, coi như vợ chồng chị xuất công làm lời.
“Những vụ dưa trúng mùa, trúng giá như dịp tết Nguyên đán, bán dưa được khoảng 50 triệu đồng thì vợ chồng tôi có lãi cao. Bình quân mỗi vụ dưa chi phí trồng khoảng 10 triệu đồng, không tính tiền công của hai vợ chồng. Sau mỗi vụ dưa, tôi lãi 4-10 triệu đồng”, chị Rây nói.
Sau mỗi vụ dưa, vợ chồng chị Rây có vài triệu đồng trang trải cuộc sống. Bốn người con của chị Rây đã nghỉ học đi làm, tự trang trải cuộc sống. Chị Rây tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau không có ruộng đất, lúc trước chúng tôi lo cho con ăn học nên cuộc sống rất vất vả. Vợ chồng tôi cố gắng lao động vươn lên để có cuộc sống ngày càng ổn định chứ không muốn nghèo mãi”.
Vợ chồng chị Dương Thị Xà Rây, ngụ ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thu hoạch dưa gang.
Theo đồng chí Phạm Thanh Kiệt - Trưởng Khối dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thạnh Đông A, nhờ một số người dân đi làm ở các công ty và nhiều hộ dân được tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, được hỗ trợ các mô hình sinh kế đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ cận nghèo dần vươn lên mức sống trung bình, đó là tín hiệu đáng phấn khởi ở xã.
Từ năm 2021 đến tháng 6-2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hiệp giải quyết cho 1.596 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 108 tỷ đồng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp đào tạo nghề cho trên 900 người dân, đáp ứng được nhu cầu việc làm trong và ngoài huyện. Toàn huyện giải quyết việc làm cho hơn 7.800 lượt người.
Hơn 2 năm qua, ngoài nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và ngân sách huyện để thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hiệp vận động trên 18 tỷ đồng, qua đó tặng gần 4.500 suất quà, xây 154 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 12 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Dương Thị Xà Rây, ngụ ấp Kênh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) trồng rẫy vươn lên thoát nghèo.
Hội Nông dân huyện Tân Hiệp vận động giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn 152 triệu đồng, 10.000 cây giống, 6.000 con gà, huy động được 5 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân cho các hội viên vay để phát triển sản xuất. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giúp 91 hộ thoát nghèo, hỗ trợ 27 mô hình sinh kế... Những việc làm thiết thực đó đã kịp thời chia sẻ khó khăn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết đời sống của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đồng chí Trần Minh Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, thời gian qua, các chế độ, chính sách giảm nghèo được huyện thực hiện cơ bản kịp thời, đúng quy định. Thời gian tới, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân 0,2%/năm trở lên theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025. Huyện thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt…
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Năm 2024, Đảng bộ huyện Hòn Đất đã kết nạp mới 167 đảng viên, đạt 119,29% nghị quyết và đạt 163,72% chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện lên 4.644 đảng viên.
Tổng số lượt truy cập: