14/10/2024 09:16
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Hội Nông dân không chỉ là cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng và Nhà nước, mà còn là nhân tố chủ đạo thúc đẩy quá trình đổi mới nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo. Những thành tựu của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét cho vai trò và hiệu quả hoạt động của hội trong việc thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Qua bình xét cuối năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 210.230 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so với nhiệm kỳ trước. Sự gia tăng mạnh mẽ này thể hiện nỗ lực của Hội Nông dân tỉnh trong việc vận động nông dân tham gia tích cực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả đã ra đời, nhiều mô hình hợp tác sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã hình thành, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời giúp 2.184 hộ nông dân thoát nghèo.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại Kiên Giang còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp 3,5 tỷ đồng, 3.779 ngày công lao động và hỗ trợ giống, vật tư trị giá gần 7 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống xã hội.
Trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện đại hóa, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất trở thành yêu cầu cấp thiết. Các cấp hội nông dân trong tỉnh Kiên Giang đã tích cực phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học, ngân hàng và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tư vấn, tập huấn và chuyển giao công nghệ mới cho 75.671 lượt hội viên, nông dân. Nhờ đó, 138 mô hình điểm ứng dụng công nghệ mới đã được xây dựng thành công, 25 mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ và an toàn sinh học cũng được phát triển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Công tác hỗ trợ vốn cũng được chú trọng với việc Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện đạt 50,4 tỷ đồng và nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang lên tới 1.800 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, hơn 52.000 lượt hộ đã được vay vốn thông qua 672 mô hình, dự án, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Phong trào phát triển kinh tế tập thể là một trong những hướng đi bền vững của nông nghiệp hiện đại. Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã vận động thành lập 366 tổ hợp tác và 82 hợp tác xã, tăng 30% so với đầu nhiệm kỳ 2023-2028. Đây là thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định nỗ lực của hội trong việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các hình thức liên kết, hợp tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ngoài ra, hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Nông dân đã hiến 92ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để nâng cấp 371km đường giao thông, sửa chữa và xây mới 387 căn nhà cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức xây dựng 10 cầu bê tông, 74 giếng nước khoan và 10km đường “Thắp sáng nông thôn”, cải thiện đáng kể điều kiện sống và sản xuất cho nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (bìa phải) thăm hỏi nông dân nuôi tôm vùng U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: ĐẶNG LINH
Nhìn lại chặng đường gần một thế kỷ, giai cấp nông dân Việt Nam có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nông dân Việt Nam với tinh thần yêu nước và sự hy sinh đã trở thành lực lượng tiên phong trên mọi mặt trận. Ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, nông dân vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nông dân Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Đời sống kinh tế của một bộ phận nông dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng nông thôn ở một số khu vực còn kém phát triển và trình độ ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Điều này đòi hỏi cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, đồng thời khuyến khích nông dân tự nâng cao trình độ, mạnh dạn đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024) là dịp để chúng ta nhìn lại và tự hào về những đóng góp của giai cấp nông dân, không chỉ trong lịch sử đấu tranh dân tộc mà còn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thành tựu của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của phong trào nông dân toàn quốc.
Với vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai cấp nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục là lực lượng tiên phong, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong thời điểm hiện tại và thời gian tới.
TRỌNG NGHĨA
(KGO) - Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 19 đã diễn ra trong không khí khẩn trương, trách nhiệm, nhằm tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả nổi bật trong năm qua, nhận diện rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra, từ đó khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, hướng tới một tương lai tươi sáng.
Tổng số lượt truy cập: