09/10/2024 09:01
Ảnh minh họa.
1. Chuyển đổi số không đơn giản là việc áp dụng công nghệ vào công tác quản lý hay sản xuất. Đây là quá trình thay đổi toàn diện trong cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, giúp tối ưu hóa hiệu suất, gia tăng giá trị cho mọi hoạt động. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ trở thành trung tâm của mọi sáng tạo và phát triển.
Chính phủ đã xác định được vai trò quan trọng của chuyển đổi số thông qua nhiều mục tiêu lớn, được thể hiện trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một Chính phủ số, một nền kinh tế số và một xã hội số với sự tham gia của toàn dân và toàn bộ hệ thống chính trị.
Mục tiêu không chỉ là phát triển các dịch vụ công trực tuyến hay hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, mà còn hướng đến việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đến năm 2025, Việt Nam dự kiến kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và con số này sẽ tăng lên 30% vào năm 2030. Đây là những bước đi cụ thể, minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và cam kết mạnh mẽ của đất nước trong việc nắm bắt và tận dụng sức mạnh công nghệ.
2. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố, trong đó có Kiên Giang đã và đang từng bước triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công cuộc này không chỉ mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp cải thiện đời sống của người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai số hóa.
Kiên Giang đã chứng minh sự nhanh nhạy và chủ động trong việc triển khai chuyển đổi số thông qua hàng loạt các chủ trương và kế hoạch cụ thể. Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 8-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Kế hoạch số 186/KH-UBND, ngày 24-12-2020 của UBND tỉnh Kiên Giang đề ra những mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Đặc biệt, việc đưa ra Chiến lược chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2174/QĐ-UBND, ngày 26-8-2022 của UBND tỉnh Kiên Giang) cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện.
Những thành tựu của Kiên Giang đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số là ấn tượng. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia của Kiên Giang đạt 100%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông xếp vào nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng(công bố tháng 8-2024). Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Kiên Giang trong việc số hóa quy trình hành chính, mang lại sự thuận tiện và minh bạch cho người dân, doanh nghiệp.
Việc áp dụng chữ ký số công cộng và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ 76,64%, xếp thứ 6 trong cả nước, cho thấy Kiên Giang đang dần khẳng định vị thế tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông và internet của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với 100% khu dân cư được phủ sóng di động, tỷ lệ hộ gia đình có internet đạt trên 69% và người dân sử dụng internet đạt 88%. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ số mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế.
Những thành tựu đạt được tại Kiên Giang là một phần trong bức tranh tổng thể của cả nước về chuyển đổi số. Một ví dụ điển hình khác là việc ứng dụng thẻ căn cước công dân thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy tại một số cơ sở y tế lớn ở Kiên Giang, giúp tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh. Hệ thống thuế của tỉnh đã thực hiện thành công hóa đơn điện tử, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là những bước đi quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
3. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công cuộc chuyển đổi số vẫn cần sự tham gia đồng lòng của toàn thể xã hội. Chính quyền đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa, nhưng để quá trình này thực sự thành công và bền vững, cần có sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển và người dân thụ hưởng những tiện ích của công nghệ.
Ngày chuyển đổi số quốc gia không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu mà chúng ta đạt được, mà còn là lời kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy chung tay với Chính phủ thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Người dân cần nâng cao nhận thức về lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại. Những tiện ích trong cuộc sống hàng ngày như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử hay truy cập thông tin dễ dàng là những minh chứng rõ ràng về sự thay đổi mà chuyển đổi số đã và đang tạo ra. Trong khi đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chuyển đổi số giúp chúng ta bắt kịp với thế giới, mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ mọi cấp, mọi ngành. Từ việc phát triển hạ tầng mạng lưới, đến việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, chúng ta cần có sự đồng bộ trong hành động và tư duy, từ Trung ương đến địa phương.
Hướng tới tương lai, chúng ta có thể tự hào khi Việt Nam đang dần hoàn thiện hạ tầng số và hệ thống chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số. Với nền tảng này, chúng ta không chỉ nhắm đến việc phát triển kinh tế mà còn thu hẹp khoảng cách số, mang lại cơ hội công bằng cho mọi người dân, từ thành thị đến nông thôn.
Ngày chuyển đổi số quốc gia là lời kêu gọi hành động, kêu gọi mỗi người dân hãy tự mình làm chủ công nghệ, cùng nhau xây dựng một Việt Nam số - hiện đại, tiên tiến và hội nhập toàn cầu!
VIỆT TIẾN
(KGO) - Năm tháng đi qua, sông nước Kiên Giang vẫn chảy êm đềm như chính nhịp sống của bà con các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm... nơi đây.
Tổng số lượt truy cập: