27/11/2023 14:38
Lần đầu thưởng thức cốm dẹp, tôi thật sự bị lôi cuốn bởi hương vị thơm, dẻo, ngọt cực kỳ hấp dẫn. Cốm dẹp không chỉ được biết đến là món ăn truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ mà còn là vật phẩm để cúng Trăng trong lễ Ok Om Bok vào rằm tháng mười âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công ơn mặt trăng, vị thần điều tiết mùa màng đã ban cho người dân vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Có hơn 6 năm kinh nghiệm làm, bán cốm dẹp, bà Thị Thúy, ngụ xã thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao, chia sẻ: “Để làm ra món cốm dẹp dẻo thơm là cả một quá trình từ thu hoạch nếp, đến rang, giã, sàng, sảy… khâu nào cũng tốn rất nhiều công sức”. Người làm cốm phải chọn loại nếp rặt, vừa chín tới, hạt còn mềm đem về phơi sơ qua rồi cho vào nồi đất rang đến khi nào hương thơm bốc lên mới đem đi quết.
Thơm ngon món cốm dẹp trộn dừa.
Công đoạn quết rất quan trọng và cũng là bí quyết làm nên chất lượng. Thường phải hai người quết, một người theo dõi túi nếp. Khi quết phải nhanh tay, đều, quết trong vòng 2 phút là kết thúc, vì nếu quất chậm hạt nếp rang sẽ nguội, chày nện xuống không còn tác dụng nữa. Công đoạn kế tiếp là sàng, sảy cho sạch cám, chỉ giữ lại những hạt cốm thơm tho, trắng tuyền.
Cốm dẹp được dùng làm nguyên liệu nấu xôi, chè, bánh cốm, chả cốm. Tuy nhiên, ngon nhất vẫn là món cốm dẹp trộn dừa nạo, thêm chút muối, đường cát hoặc đường thốt nốt, đơn giản mà lại ngon khó cưỡng. Mùi thơm của nếp, vị béo của dừa, ngọt của đường cát, tất cả hòa quyện tạo nên dư vị khó quên.
Hiện cốm dẹp không chỉ xuất hiện trong lễ, tết của đồng bào Khmer mà dần trở nên phổ biến, được làm để bán ngoài phố chợ. Ðiều đặc biệt là cốm dẹp ít khi được đo lường bằng cách thông thường, nghĩa là theo kílôgam mà được đong bằng lít. Hiện mỗi lít cốm dẹp có giá khoảng từ 30-40.000 đồng.
Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm đẹp mắt.
Cùng với cốm dẹp, bánh bò thốt nốt là món ăn được bán tại ngày hội phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân, du khách. Những chiếc bánh bò thốt nốt màu vàng ươm gói trong lá chuối, bề mặt rắc ít sợi dừa nạo, bánh nóng hổi tỏa hương thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại. Khi đưa miếng bánh vào miệng sẽ cảm nhận được ngay độ mềm của bánh, vị ngọt, béo, thơm từ đường thốt nốt, nước cốt dừa và dừa nạo khiến tôi phải gật đầu khen ngon ngay từ miếng đầu tiên.
Bánh bò thốt nốt được bắt nguồn từ một loài cây cùng tên, trong tiếng Khmer cây thốt nốt được đọc là “th’not”, nhưng người dân địa phương hay phát âm là cây thốt nốt nên lâu dần thành quen, trở thành tên gọi như ngày nay. Ngoài các nguyên liệu cơ bản như bột gạo, nước cốt dừa, bánh bò thốt nốt được chế biến từ đường thốt nốt, bột từ vỏ của trái thốt nốt.
Theo anh Danh An, ngụ xã Định An, huyện Gò Quao, khâu chọn lựa nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định việc chế biến ra những chiếc bánh bò thốt nốt ngon, trong đó thốt nốt phải chọn những trái có cơm dày để dễ dàng xay thành bột, đường thốt nốt phải là loại đường tán nguyên chất, không lẫn bất kỳ tạp chất nào.
Cách thức làm bánh bò thốt nốt trải qua nhiều công đoạn và phải tuân thủ đúng quy trình thì bánh mới ngon. Món bánh bò thốt nốt thành phẩm đạt chuẩn có mùi thơm của cơm rượu, béo ngậy của nước dừa cùng vị ngọt thanh từ đường thốt nốt.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Tại Đại hội Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029 thông tin trong 5 năm (2019-2024), các hội viên của chi hội có hơn 500 tác phẩm được chọn triển lãm tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc, quốc tế và các cuộc thi ảnh chuyên đề do các bộ, ngành tỉnh, Trung ương tổ chức.
Tổng số lượt truy cập: