19/03/2021 09:01
VANG BÓNG MỘT THỜI
Theo Sở VH-TT, phong trào thể thao Kiên Giang phát triển mạnh giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX. Khi đó, các giải thể thao cấp tỉnh gây tiếng vang trong khu vực như: Bóng bàn Báo Kiên Giang, bóng chuyền cúp Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, cầu lông cúp Xổ số kiến thiết Kiên Giang; các giải bóng đá, đua ghe ngo, đua thuyền truyền thống, võ cổ truyền, vovinam… thu hút nhiều đội, vận động viên, cổ động viên thi đấu và cổ vũ.
Mặc dù cơ sở vật chất, sân bãi thi đấu đơn sơ nhưng không khí tranh tài ở các giải thể thao sôi động, hào hứng. “Nhờ các giải phong trào phát triển mạnh nên Kiên Giang có lực lượng vận động viên kế thừa dồi dào. Khi đó, riêng môn bóng chuyền, tỉnh có cả đội tuyển nam, nữ thi đấu hạng A1, A2 quốc gia và gặt hái nhiều thành công. Sau này, môn bóng đá nam cũng góp mặt ở các giải hạng nhì, nhất và cao nhất là V-League”, đồng chí Trần Nguyễn Bá - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho biết.
Bóng chuyền là một trong những môn thể thao thế mạnh được tỉnh đầu tư trở lại trong thời gian tới. Trong ảnh: Các đội thi đấu tại giải bóng chuyền tỉnh Kiên Giang năm 2020 tại nhà thi đấu đa năng tỉnh.
Cũng theo Sở VH-TT, ngoài sân chơi chuyên nghiệp và các giải thi đấu cấp tỉnh, nhiều môn thể thao phong trào được người dân Kiên Giang yêu thích, trong đó môn bóng rổ phát triển mạnh trong học sinh, sinh viên và người dân. Khi đó, Kiên Giang là một trong số ít tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có phong trào bóng rổ phát triển… Tuy nhiên, qua nhiều thăng trầm, hiện hệ thống thi đấu các giải vô địch quốc gia, thể thao Kiên Giang vắng mặt ở các môn được nhiều người dân yêu thích như bóng đá, bóng chuyền...
QUAN TÂM HƠN CÁC MÔN THỂ THAO THẾ MẠNH
Đồng chí Trần Nguyễn Bá cho biết: “Trước kia, việc đầu tư đào tạo vận động viên năng khiếu kế thừa ở các môn được duy trì ở 3 tuyến: Năng khiếu tập trung, năng khiếu nghiệp dư và các lớp xã hội hóa gồm các môn như bóng đá U15, bóng bàn, bóng chuyền bãi biển, bóng chuyền trong nhà nam, cờ vua, điền kinh, quần vợt, cầu lông, bơi lội, bi sắt, vovinam, võ cổ truyền… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu thiếu kinh phí nên chỉ đào tạo một thời gian phải giải tán”.
Để khắc phục tình trạng trên, nhất là tạo nguồn vận động viên kế thừa ở các môn thể thao thế mạnh của địa phương, tạo nguồn phát triển thể thao thành tích cao, ngành VH-TT nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao; ưu tiên đầu tư các môn thể thao thế mạnh của tỉnh; tiếp tục hoàn chỉnh đề án xã hội hóa khu liên hợp thể thao nhằm đáp ứng điều kiện tập luyện, thi đấu.
Tháng 7-2020, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Năng khiếu thể dục - thể thao và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh. Đây là tiền đề để tỉnh tập trung phát triển thể thao thành tích cao theo hướng hệ thống, khoa học, mang tính liên hoàn, kế thừa các tuyến năng khiếu đến tuyến tỉnh. |
Bên cạnh đó, ngành phối hợp tổ chức các giải thể thao, hội thao cấp tỉnh; đăng cai các giải thể thao khu vực, toàn quốc; tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế… tạo động lực, nâng dần thành tích thể thao tỉnh so khu vực và toàn quốc. “Giai đoạn 2021-2025, ngành VH-TT tập trung đầu tư phát triển thể thao với 4 tuyến gồm: Năng khiếu nghiệp dư, năng khiếu tập trung, tuyến trẻ và đội tuyến tỉnh. Ngoài các môn tỉnh tập trung đào tạo tại tỉnh và liên kết đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, ở cấp độ đội tuyển tỉnh, 7 môn thể thao được đầu tư trở lại gồm: Bóng đá, bóng chuyền trong nhà, bóng rổ, bóng bàn, vovinam, taekwondo, cầu lông.
Riêng tuyến trẻ ngoài 7 môn thể thao trên còn có thêm môn bơi lội; năng khiếu nghiệp dư và năng khiếu tập trung có thêm một số môn như bi sắt, cầu mây, võ cổ truyền cũng được đầu tư”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở VH-TT nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Chiều 8-12, giải cờ vua tỉnh Kiên Giang mở rộng năm 2024 bế mạc sau 2 ngày thi đấu. Các vận động viên của Kiên Giang đã đoạt nhiều huy chương.
Tổng số lượt truy cập: