07/04/2021 16:50
DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI GHE NGO
Đối với đồng bào Khmer Kiên Giang, đua ghe ngo trở thành món ăn tinh thần, từ người già cho đến trẻ nhỏ ai cũng yêu thích. Từ đó, các ngành chức năng tỉnh duy trì và phát triển đội ghe ngo ở các chùa Khmer thuộc các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên và thành phố Rạch Giá…
Những năm gần đây, phong trào đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer tạo nhiều ấn tượng cho người hâm mộ tỉnh khi các đội ghe ngo chiếm vị trí quan trọng tại lễ hội Ok Om Bok.
Đội nữ ghe ngo Cà Nhung thành lập năm 2002 do ông Lê Văn Hữu làm chủ nhiệm và vận động phụ nữ Khmer ở địa phương tham gia. Năm 2003, đội nữ ghe ngo Cà Nhung đoạt giải nhất cuộc thi đua thuyền rồng tại SEA Games 22. Nhiều năm qua, đội đoạt giải nhất các cuộc đua ghe ngo trong và ngoài tỉnh. Tại lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2020, đội xuất sắc giành chức vô địch. Đạt những thành tích đó là quá trình nỗ lực cùng tinh thần vượt khó của các thành viên trong đội.
“Để có sức dẻo dai, thành viên phải kiên trì luyện tập, tạo sự nhịp nhàng, nâng cao tinh thần đoàn kết. Vì vậy, dù bận việc gia đình nhưng các thành viên luôn cố gắng luyện tập”, chị Thị Bình - thành viên đội nữ ghe ngo Cà Nhung cho biết.
Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, trụ trì chùa Cà Nhung, huyện Gò Quao cho biết: “Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hỗ trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, Ban Dân tộc tỉnh, nhà hảo tâm nên đội ghe ngo của các chùa trên địa bàn huyện luôn thi đấu thành công trên các đấu trường tỉnh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và mang lại nhiều thành tích cho tỉnh”.
THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI DÂN THAM GIA
Các đội ghe ngo tham gia giải đua ghe ngo ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XIII năm 2019.
Tại huyện Châu Thành, hai năm gần đây, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành tổ chức giải đua vỏ composite thu hút trên 50 đội trong và ngoài huyện tham gia.
Hòa thượng Danh Lân - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Châu Thành cho biết: “Việc tổ chức sân chơi thể thao cho đồng bào phật tử trong các dịp lễ lớn nhằm tạo không khí vui tươi. Qua đó giúp đồng bào phật tử luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer”.
Bên cạnh đó, các môn thể thao như kéo co, nhảy bao bố được nhiều chùa Khmer tổ chức trong các dịp lễ hội như Ok Om Bok, tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôl Ta… Anh Danh Sâm Bách, ngụ ấp Sơn An, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Các môn thể thao được đồng bào Khmer tham gia nhiệt tình, được xem là món ăn tinh thần không thiếu vào các dịp lễ hội của đồng bào Khmer”.
Theo đồng chí Trần Nguyễn Bá - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, hàng năm, các giải đua ghe ngo truyền thống thu hút hàng chục đội với sự tham gia của hàng ngàn khán giả đến xem và cổ vũ. Việc tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc vào các dịp lễ hội, tết cổ truyền nhằm tạo không khí sôi nổi, góp phần làm cho phong trào thể dục, thể thao tỉnh ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Hơn 400 học sinh từ các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trải nghiệm khoa thi Minh kinh bác học mùa 2 do Bảo tàng Kiên Giang tổ chức , tại TP. Rạch Giá.
Tổng số lượt truy cập: