14/11/2024 10:18
KHAI THÁC ĐỀ TÀI MỚI
Nếu ai đã đọc tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức, xem phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, thưởng thức vở cải lương “Hương sứ đất Hòn” của tác giả, đạo diễn Nguyễn Đình Đức… đều nhớ mãi hình ảnh kiên trung, bất khuất của chị Sứ - nguyên mẫu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nhưng với “Đời hoa Rumdul”, tác giả Nguyễn Đình Đức và Phạm Văn Đằng không theo lối cũ là khắc họa khí chất anh hùng của chị Sứ mà khai thác nỗi đau của hai người mẹ khi con mình chết vì chiến tranh, dù ở phía nào. Đó là bà Cà Xợi - mẹ của trung úy Xăm ác ôn và bà Sáu - mẹ chị Sứ.
Tác giả Nguyễn Đình Đức cho biết: “Từ giữa năm 1961, địa danh Ba Hòn gồm Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Quéo đã gánh chịu nhiều mất mát bởi “Chiến tranh đặc biệt” do Mĩ - Diệm tiến hành. Trong khói lửa đau thương ấy, tuy là phụ nữ nhưng họ cũng hòa vào cuộc chiến cùng dân làng và sẵn sàng hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước. Qua đó, tôi muốn truyền tải hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Khmer Nam bộ nói riêng mà nổi bật là Cà Xợi với quãng đời hạnh phúc, đắng cay tủi nhục đan xen”.
Mở màn múa Khmer trong lễ hội cúng trăng được xem là màu sắc mới tại Liên hoan năm nay. Ảnh: QUANG ĐỨC
Nội dung vở cải lương “Đời hoa Rumdul” xoay quanh cuộc đời bà Cà Xợi thời trẻ yêu anh Thạch Kha, dân tộc Khmer. Những tưởng đó là mối tình đẹp và viên mãn nhưng vì muốn chiếm đoạt Cà Xợi, tên Chủ Mưu là địa chủ giết chết Thạch Kha. Sau khi đẻ thằng Xăm, hắn bắt đầu để ý những cô gái khác nên đuổi Cà Xợi khỏi nhà nhưng giữ lại thằng Xăm. Bụng mang dạ chửa lang thang, Cà Xợi được bà Sáu - mẹ chị Sứ - cưu mang, nuôi dưỡng sanh đứa thứ hai là Cà Mỵ.
Thế nhưng, tên Xăm lớn lên làm tay sai cho giặc, là đội trưởng đội biệt kích tàn ác, thường xuyên săn lùng tìm bắt, giết cán bộ cách mạng. Còn bà Cà Xợi uống rượu giả say, giả điên để dọ thám tình hình địch, tiếp tế cho bộ đội ở Hang Hòn. Khi thằng xăm giết chị Sứ, để trả ân tình của bà Sáu, bảo vệ bộ đội và người dân xứ Hòn, bà Cà Xợi giết chết con trai ác ôn của mình. Chị Sứ và Xăm - hai đứa con khác nhau hai cái chết nhưng hai người mẹ đều gánh chịu một nỗi đau vì chiến tranh.
Nghệ sĩ Bích Trâm cho biết: “Để chuẩn bị tham gia Liên hoan năm nay, chúng tôi nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm. Trước tiên tôi liên hệ các nghệ sĩ vào vai phù hợp như Nghệ nhân nhân dân Trường Út vai Chủ Mưu, các nghệ sĩ Hồng Toán vai bà Sáu, Thùy Trang vai Cà Mỵ, Bá Vạn vai Thạch Kha, Phương Tuấn vai trung úy Xăm… Khi tác giả viết xong một phân cảnh thì gửi diễn viên nghiên cứu, tập tuồng; bộ phận thiết kế dàn dựng cảnh trí, chuẩn bị đạo cụ; phục trang cũng tiến hành may đo. Mặt khác, xếp lịch tập cũng khó vì mỗi người mỗi nơi nên tôi khăn gói từ Kiên Giang lên “đóng quân” ở Cần Thơ nhờ Đoàn Văn công Quân khu 9 hỗ trợ sân khấu giúp chúng tôi luyện tập, cũng là để không ảnh hưởng đến công việc của anh chị em. Ngày 7-10-2024, kịch bản hoàn chỉnh mới ráp các phân cảnh lại, từng bước chỉnh sửa, bổ sung dưới sự hướng dẫn của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu”.
Từng đạt huy chương vàng vai chị Sứ trong vở cải lương “Hương sứ đất Hòn” của tác giả, đạo diễn Nguyễn Đình Đức tại Hội thi Sân khấu cải lương “Hương sắc Cửu Long” lần thứ I năm 2019; tiết mục ca ra bộ về chị Sứ “Trái tim quê hương” của tác giả Nguyễn Hoàng Vũ tại Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022; với “Đời hoa Rumdul”, Bích Trâm đóng vai Cà Xợi là bước tiến mới trên con đường nghệ thuật. Song song đó, kinh phí cũng là yếu tố quyết định chất lượng vở diễn, bởi dù dưới danh phận của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thì không có chế độ ngân sách dàn dựng mà nghệ sĩ “chủ quản” như Bích Trâm phải đầu tư.
“Đây là lần đầu tôi tổ chức vở diễn tham gia “sân chơi lớn” như thế này nên phải cân đong đo đếm kĩ để tiết kiệm nhất có thể. Để có 500 triệu đồng, ngoài tiền của cá nhân, tôi còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ gần 50%”, nghệ sĩ Bích Trâm nói.
Nghệ sĩ Bích Trâm vai Cà Xợi và Bá Vạn vai Thạch Kha. Ảnh: QUANG ĐỨC
ẤN TƯỢNG VÀ CẢM XÚC
Mở màn vở “Đời hoa Rumdul” là khung cảnh một góc ngôi chùa Khmer trên màn hình led. Các chàng trai, cô gái Hòn Me trong trang phục cổ điển với điệu múa Khmer uyển chuyển trong lễ hội cúng trăng. Thạch Kha và Cà Xợi biểu diễn tuồng Thạch Sanh - Công chúa. Chính âm nhạc và sắc màu này mang đến liên hoan năm nay dấu ấn mới, cảm xúc lạ sau nhiều vở diễn đậm chất sử Việt.
Ông Danh Nhang, 73 tuổi, ngụ quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), nhờ con gái chở bằng xe Honda vượt hơn 20km đến sớm để xem trọn vở diễn này. Ông Nhang kể: “Tôi đã xem một số tuồng cải lương tham gia liên hoan nhưng khi thấy lịch diễn “Đời hoa Rumdul” là phải đi vì biết nội dung nói về dân tộc mình. Bởi hoa Rumdul có cánh hoa tròn trĩnh, hương thơm quyến rũ thường ví như nét đẹp của người phụ nữ Khmer. Quả đúng như vậy. Tôi bị cuốn hút theo câu chuyện từ đầu đến cuối, có nhiều đoạn cao trào làm tôi xúc động rơi nước mắt trước nỗi khổ đau dằng dặc của bà Cà Xợi”.
Bạn Trần Thiện Khiêm, quê Kiên Giang, hiện học tại Đại học Cần Thơ, cùng nhóm bạn đến xem và cổ vũ cho đồng hương, chia sẻ: “Câu chuyện mạch lạc, đan cài tình tiết kết nối các phân cảnh. Tôi ấn tượng nhất là đoạn tên Xăm bị giết chết khiến bà Cà Xợi tan nát cõi lòng khi đứng trước sự chọn lựa khó nhất trong đời người mẹ. Tôi tưởng nghệ sĩ Bích Trâm không thể hát tiếp nhưng chị ca khá tốt đoạn văn thiên tường lớp dựng. Tôi có ghi âm lại đoạn này: “Trời ơi tôi đã giết chết con… tôi. Nỗi đau này, ai thấu ai hay. Lệ muôn dòng tuôn chảy, ôm con vào giữa vòng tay mà nghe lòng tê tái, đắng cay. Từ nay mẹ con mãi mãi xa rời. Xăm hỡi, Xăm ơi… Má nghẹn lời xúc động. Tiếng thét của con hãy còn vang vọng, trong lòng má như đang bão động tơi… bời”.
Cùng học tại Đại học Cần Thơ và đến xem vở diễn, bạn Nguyễn Trần Thy Trang, quê Trà Ôn (Vĩnh Long) thỉnh thoảng lau nước mắt. Thy Trang cho biết: “Sáng nào không có tiết học, nhất là buổi tối tôi đều đến đây xem thi diễn. Nhưng với “Đời hoa Rumdul” làm tôi xúc động vô cùng trước số phận bi thảm của người phụ nữ Khmer Nam bộ như bà Cà Xợi. Phân cảnh cuối là đoạn đối thoại giữa hai người mẹ cùng một nỗi đau mất con vì chiến tranh, dù ở phía nào, càng khẳng định sự hy sinh to lớn của phụ nữ. Có lẽ, mọi người sẽ đồng cảm với tôi về nỗi đau của người mẹ khi nghe đoạn lý giao duyên trong tiếng nấc của bà Cà Xợi: “Gió hỡi gió ơi. Xin đừng thổi nữa. Cho con trẻ say giấc nồng. Cho môi trẻ luôn tươi cười. Tiếng ru ấy giờ đây. Theo con về cùng gió mây…”. Tiếp đó là giọng nghèn nghẹn của bà Sáu - mẹ của chị Sứ: “Má chải tóc cho con. Con hỡi có còn nghe. Tiếng má gọi con ơi! Hãy về đây với má như hôm nào. Bên mái nhà xiêu vẹo thân yêu. Mẹ sẽ ngồi chải tóc cho con…”.
Nếu ở phân cảnh đầu, nhân vật Cà Xợi duyên dáng cùng Thạch Kha diễn tuồng “Thạch Sanh - Công chúa” trong lễ hội cúng trăng thì đoạn giữa giả say rượu, nửa điên nửa tỉnh, đặc biệt là từ cảnh Cà Xợi đứng trước chọn lựa có giết con trai ác ôn hay không đến đoạn đối thoại giữa hai bà mẹ đòi hỏi nghệ sĩ thể hiện sự dằn xé nội tâm. Điều này, nghệ sĩ Bích Trâm đã làm tốt bởi ngoài bản lĩnh sân khấu, chị luôn nhiệt huyết, hết mình vì nghệ thuật. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ đã làm tròn vai diễn của mình để mang đến Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay màu sắc Khmer Nam bộ độc đáo và tạo cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả mộ điệu.
HỒ KIÊN GIANG
(KGO) - Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang chủ trương tạm ngưng hoạt động của rạp chiếu phim Thắng Lợi, số 18 đường Lê Lợi, TP. Rạch Giá do cơ sở vật chất của rạp xuống cấp.
Tổng số lượt truy cập: