06/11/2024 14:02
KHẮC HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG LÊN GỖ
Từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Thánh đã mê vẽ và vẽ rất đẹp. Đi học, anh thường xuyên tham gia các cuộc thi vẽ tranh, vẽ báo tường, đoạt nhiều giải thưởng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Thánh học Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bạc Liêu. Sau đó, anh làm giáo viên dạy mỹ thuật tại Trường Tiểu học Thị Trấn 1 (An Minh).
Năm 2010, anh Thánh tiếp tục học chuyên ngành sư phạm mỹ Thuật do Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương mở tại TP. Rạch Giá. Học tại đây, anh và vợ - hai người cùng niềm đam mê hội họa gặp nhau, từ đó giúp anh có thêm động lực thỏa sức với đam mê.
Anh Nguyễn Văn Thánh khắc tranh trên nền gỗ.
Căn nhà nhỏ của gia đình anh Thánh nay được phủ kín bởi những tác phẩm mỹ thuật bằng màu bột, sơn mài, nhiều nhất là tranh khắc gỗ. Quan sát quá trình khắc gỗ của anh sẽ thấy được sự tỉ mỉ, kỳ công của người thợ tài hoa. Dưới đôi tay khéo léo, những hoa văn, đường nét uyển chuyển, sống động trên nền gỗ vô tri, khô cứng lần lượt hiện ra.
Anh Thánh nói: “Làm tranh khắc gỗ cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, khéo léo, óc sáng tạo và cái nhìn nghệ thuật. Tôi thường ghi lại hình ảnh quê hương, cuộc sống đời thường như cảnh sông nước, buôn bán, xây nhà, xây cầu, đường trên nền gỗ vì nó tạo ra sự ấm áp, bền bỉ, hấp dẫn tự nhiên”.
Thời gian rảnh, vợ chồng anh Thánh đi ngắm nhìn xung quanh để lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng, nổi bật của quê hương. Trong nhà anh lúc nào cũng có đầy đủ đồ nghề như gỗ, dao khắc, dũa, mũi khoan, các loại dầu, sáp đến máy in, khung hình… để khi có ý tưởng là có thể thực hiện và hoàn thành ngay. Tùy kích thước và nội dung mà mỗi tác phẩm tranh khắc gỗ có thể hoàn thành trong 1 tuần đến 1 tháng.
Từ năm 2013 đến nay, anh Thánh sáng tác hơn 30 tác phẩm mỹ thuật bằng hình thức khắc gỗ, hàng năm đều có tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải ở tỉnh, khu vực. Năm 2014 anh đoạt huy chương vàng với tác phẩm “Chống lũ”; năm 2024, đoạt giải ba với tác phẩm “Bắt nhịp” tại triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
SAY MÊ ĐỀ TÀI BIỂN, ĐẢO
Đặt ngay trung tâm buổi triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 29 năm 2024 là tác phẩm “Bám biển” và “Bộ tượng - Tam Thế Phật” của tác giả Lê Xuân Cang. Nhìn hai tác phẩm này, nhiều người trầm trồ, khen ngợi về độ sáng tạo, độc đáo của nó. Ít ai biết rằng tác giả của hai tác phẩm này chưa từng học qua trường lớp chuyên sâu về mỹ thuật hay điêu khắc; thành công của anh là kết quả của niềm đam mê và năng khiếu tự nhiên.
Anh Lê Xuân Cang chụp ảnh cùng tác phẩm “Bám biển” đoạt giải C tại triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
Từ nhỏ, anh Lê Xuân Cang đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Học hết lớp 12, anh đi làm nhiều nghề để mưu sinh. Niềm đam mê với nghệ thuật điêu khắc luôn thúc đẩy anh tìm tòi, học hỏi từ những người thầy, bạn bè, cũng như tự mày mò qua sách, báo, internet. Anh Cang linh hoạt trong việc chọn lựa chất liệu sáng tác từ đồng, sắt, đá đến nhựa, đất sét và các chất liệu tổng hợp để tạo ra những tác phẩm vừa mang tính nghệ thuật cao, vừa phản ánh chân thực cuộc sống.
Một trong những đề tài anh Cang say mê khai thác là biển, đảo. Với nhiều năm đi biển, gắn bó và có nhiều trải nghiệm với biển cả, anh Cang cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Năm 2023, anh đoạt giải nhì tại cuộc thi mỹ thuật Kiên Giang với tác phẩm “Cá”. Năm 2024, anh vinh dự nhận giải C tại triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tác phẩm “Bám biển”.
Anh Cang nói: “Từ những tác phẩm mang đậm hình ảnh biển cả, tôi không chỉ thể hiện tình yêu với quê hương mà còn gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường biển đến công chúng. Dù không có cơ hội được học chuyên sâu, nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi và rèn luyện mỗi ngày. Tôi tin rằng với niềm đam mê cháy bỏng, tôi sẽ tiếp tục phát triển trong lĩnh vực điêu khắc và tạo ra những tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc”.
Ông Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét anh Nguyễn Văn Thánh và anh Lê Xuân Cang là hai gương mặt tiêu biểu trong giới mỹ thuật Kiên Giang. Các anh có tư duy nghệ thuật tốt, cách chia bố cục sáng tạo, nhiều tác phẩm có chiều sâu với đường nét sắc sảo và hình khối phong phú.
Với năng khiếu và niềm đam mê mãnh liệt, anh Nguyễn Văn Thánh và anh Lê Xuân Cang đã làm phong phú thêm bức tranh mỹ thuật Kiên Giang, tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang chủ trương tạm ngưng hoạt động của rạp chiếu phim Thắng Lợi, số 18 đường Lê Lợi, TP. Rạch Giá do cơ sở vật chất của rạp xuống cấp.
Tổng số lượt truy cập: