25/06/2021 16:03
Ông tôi hay cười mỗi khi kể về chiếc radio nhỏ mà ông hay gọi là cái đài, còn bà nội thì gọi là cái la dô. Hồi đó, ông phải thuyết phục bà nội lắm bà mới đồng ý để ông mua chiếc radio này vì ngày đó phải đong mấy chục giạ lúa mới mua được. Từ ngày có radio, nhà tôi vui hơn khi được nghe nhiều chương trình bổ ích.
Bà nội và mẹ tôi kỹ tính, hồi mới mua chiếc radio về là bà nội đã may túi vải đựng tránh bụi, tránh trầy xước. Dù sau này, chiếc radio cũ đi nhiều nhưng khi túi vải cũ là bà nội và mẹ lại tỉ mỉ cắt miếng vải vụn để may túi đựng mới thay. Biết ông nội thích uống trà và nghe bản tin buổi sáng trên đài nên sáng nào bà nội cũng dậy sớm nấu nước pha trà và châm sẵn vào bình thủy cho ông.
Thường thì ông không nghe đài một mình mà nghe cùng những lão nông trong xóm. Có bạn tri âm tri kỷ cùng vừa thưởng thức tách trà nóng ấm áp cùng nghe tin tức thời sự thú vị hơn nhiều. Sau bản tin thời sự là đến bản tin dự báo thời tiết, đây là bản tin hữu ích đối với người nông dân, giúp họ biết hôm nào mưa to để vừa canh lều vừa bàn chuyện ruộng vườn năm nay trúng thất ra sao.
Thời đó, nhà tôi ở xa chợ, muốn mua pin phải chờ ghe hàng đi ngang hoặc khi có dịp lên chợ huyện để mua, vì vậy chúng tôi luôn trữ pin cũ đem phơi nắng cho phục hồi năng lượng. Trước khi nghe ca nhạc thiếu nhi, chúng tôi gom hết pin trong nhà đem phơi nắng để trừ hao lúc nghe giữa chừng mà pin yếu là có để thay vào liền. Buổi trưa thường có chương trình ca nhạc thiếu nhi mà chúng tôi háo hức chờ. Mấy anh em tôi hay ngồi trên võng ở góc hàng ba vừa ăn kem vừa chờ nghe chương trình, cảm giác háo hức của trẻ con thật thú vị.
Mấy bữa mẹ bận đi ruộng dặm lúa, ở nhà bà nội thường ru bé út ngủ thay mẹ. Trông chừng nó thì dễ mà ru nó ngủ khó quá, nội hát ru hoài mà nó không chịu ngủ. Những lúc như vậy, nội nói chúng tôi nhường radio để em nghe nhạc thiếu nhi cho dễ ngủ. Nhạc thiếu nhi đang hay nhưng chúng tôi cũng nhường cho bé út, nghe radio hát một lúc em ngủ ngon lành.
Nông dân xã Phi Thông (TP. Rạch Giá) nghe chương trình dự báo thời tiết qua radio.
Mỗi tối, bên ánh đèn dầu, nội ngồi cạnh bên để đôn đốc tôi học bài. Biết tôi còn nhỏ ham vui lại mê chương trình trên radio thường học bài nhanh để đi nghe đài nên nội phải ngồi cạnh để nhắc, kèm cặp cho tôi không lơ là bài vở. Nội bảo học xong nội giăng mùng cho nằm rồi kể chuyện cho nghe. Tôi mê tít giọng kể ngọt ngào của nội. Những câu chuyện nhẹ nhàng, thú vị mà hàm chứa bao bài học quý báu về lối sống đạo đức, ở hiền gặp lành được khắc sâu trong trí nhớ tôi.
Dù vào mùa khô hay mùa con nước nhảy bờ, hễ khi nào soạn đồ đi đồng bắt cá hay dặm lúa, cha tôi đều không quên đem theo chiếc radio để nghe cho đỡ buồn. Mùa con nước lên thì cha đem vài tay lưới ra giăng bắt cá. Sau khi bủa lưới vài lượt, cha tôi thường tìm bờ mẫu cao ráo để nghỉ trưa. Ngoài đồng, nước mênh mông chỉ có tiếng gió vi vu hòa tiếng lá cây rì rào. Nhờ chiếc radio bầu bạn mà những buổi lao động trên đồng như phần nào vơi mệt nhọc. Sau bản tin thời sự trưa là đến chương trình dự báo thời tiết. Chương trình này bổ ích bởi nó giúp người nông dân biết khi nào có mưa để cân đối lượng phân bón cho ruộng vườn, người đi biển có thể tránh mưa to, gió lớn. Cái đài giúp ích cho người dân quê tôi rất nhiều trong làm ăn.
Có hôm cha tôi đi đồng về khi trời chạng vạng tối, lúc ấy gia đình tôi mới quây quần bên nhau ăn cơm chiều. Buổi chiều yên ắng ở miền quê không có gì vui bằng được trò chuyện cùng nhau sau một ngày lao động mệt nhọc. Hôm nào bắt được cá lóc to, cha tôi đem về nướng rồi lấy bình rượu thuốc ra nhâm nhi vài ly cho ấm bụng, có khi ngẫu hứng còn ngân vài câu vọng cổ. Hầu như người lớn ai cũng mê cải lương, vọng cổ. Ông bà, cha mẹ tôi cũng vậy, nhất là ông nội tôi, cứ đến giờ đài phát trích đoạn cải lương hay chương trình ca cổ theo yêu cầu là nhất định đón nghe.
Ông ái mộ những giọng ca để đời, một thời làm say đắm hàng triệu trái tim người mộ điệu cải lương như bác Minh Phụng, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Trà Ôn, Thanh Tuấn, cô Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Mỹ Châu… Mỗi lần được nghe những tiếng hát ngọt ngào, vang vọng trong không gian yên tĩnh của miền thôn dã khiến lòng người thổn thức, vấn vương để hiện tại thi thoảng lại hoài niệm về thời gian đó.
Ngày nay có nhiều phương tiện nghe đài đa dạng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu về thông tin, giải trí trong đời sống nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về chiếc radio một thời gắn bó mật thiết trong đời sống miền quê thuở trước. Dù ngày ấy, chiếc radio đôi lúc sóng chập chờn, phát ra âm thanh rè rè nhưng đã gieo bao niềm thương, nỗi nhớ trong tôi.
Ngắm chiếc radio bàng bạc dấu thời gian, tôi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ hình ảnh ông tôi hay ngồi trầm ngâm bên chiếc radio trước hiên nhà. Chiếc radio là kỷ vật thời gian lưu giữ giúp tôi bao hồi ức mà đôi lúc tôi ngỡ mình quên đi giữa dòng đời xuôi ngược. Tôi nhận ra dù mọi vật chất có thể không trường tồn với thời gian nhưng giá trị tinh thần thì luôn ở lại trong ký ức của mỗi người.
Bài và ảnh: DƯƠNG HỒNG MỤI
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: