23/02/2024 14:29
Ông đồ viết chữ thư pháp tặng người dân và du khách tham gia lễ hội.
Lễ hội kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tại TP. Hà Tiên diễn ra vào các ngày 13, 14 và 15 tháng giêng hàng năm, đúng dịp ngày thơ Việt Nam và Tết Nguyên tiêu. Đây là dịp để người dân TP. Hà Tiên, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, du khách về với vùng đất xứ thơ để cùng nhau xướng họa, đề thơ, hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày hội.
Các phần lễ được TP. Hà Tiên duy trì tổ chức hàng năm như dâng hương tại đền thờ họ Mạc; lễ tế trời đất tại nền Sơn Xuyên; viếng mộ Đức Khai trấn Mạc Cửu, Tổng binh Mạc Thiên Tích và bà Mạc Mi Cô.
Sôi nổi nhất là các hoạt động sân khấu hóa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại khu vực diễn ra chuỗi các hoạt động của lễ hội. Hoạt động tham gia giao lưu biểu diễn nhảy hiện đại, múa dân vũ, aerobic, trình diễn acoustic, nhạc cụ dân tộc, hòa tấu đàn guitar, organ... tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi vào những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024.
"Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các năm nay nhiều hoạt động, người dân tham gia đông. Tôi vui khi được trải nghiệm các hoạt động của lễ hội”, bà Trần Kim Hiền, ngụ xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc cho biết.
Đường sách Tao đàn Chiêu Anh Các thu hút đông đảo người dân đến đọc sách.
Tham gia lễ hội kỷ niệm 288 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các năm 2023, người dân và du khách được hòa mình vào không gian xứ thơ với nhiều hoạt động phong phú. Dọc tuyến đường tại công viên Trần Hầu là khu vực triển lãm gần 200 bức ảnh về Hà Tiên xưa và nay, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Tiên.
Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động đường sách để kết nối sách với bạn đọc. Tham gia đường sách ở Tao đàn Chiêu Anh Các, độc giả biết thêm nhiều thể loại sách từ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, sách lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa, kinh tế, xã hội và sách viết về Hà Tiên, nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết và các tập thơ...
Các gian hàng ẩm thực đường phố thu hút đông đảo người dân và du khách khi tham gia lễ hội. Du khách có thể thưởng thức các món gà đốt, các món gỏi, bún kèn, xôi xiêm, hải sản tươi ngon nướng... Cùng với đó, tại công viên Trần Hầu diễn ra hoạt động viết chữ thư pháp của phố ông đồ với chủ đề “Phố ông đồ nét Phương Nam” với sự tham gia của 9 ông đồ từ các tỉnh, thành phố. “Tham gia lễ hội, ngoài được thưởng thức các món ăn đặc trưng của TP. Hà Tiên, tôi được xem ông đồ viết chữ thư pháp rất đẹp”, anh Daniel - khách du lịch đến từ Anh chia sẻ.
Học sinh trên địa bàn TP. Hà Tiên (Kiên Giang) đọc sách tại đường sách Tao đàn Chiêu Anh Các.
Vào đêm 14 tháng giêng, tại nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, TP. Hà Tiên tổ chức giao lưu giữa các văn nghệ sĩ ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 và họp mặt, giao lưu gần 100 văn nghệ sĩ từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang. TP. Hà Tiên còn phối hợp Bảo tàng tỉnh trưng bày hàng trăm hiện vật, tranh, ảnh về Hà Tiên xưa và nay; trưng bày các sản phẩm OCOP; tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 288 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các với sự biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng…
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Hà Tiên Chung Lợi Hưng cho biết: “Thông qua các hoạt động của lễ hội, TP. Hà Tiên mong tiếp tục giới thiệu hình ảnh, nét đặc trưng, truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất xứ thơ và con người Hà Tiên đến du khách. Lễ hội kỷ niệm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các năm nay TP. Hà Tiên thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan và vui chơi”.
Bài và ảnh: ĐĂNG VƯƠNG
(KGO) - Chim bói cá còn có tên gọi khác là bồng chanh. Hiện có khoảng 90 loài trên khắp thế giới. Riêng nước ta phát hiện trên 10 loài bói cá; trong đó, có chim bói cá tai xanh (bồng chanh tai xanh), chim bói cá đỏ (bồng chanh đỏ) nằm trong sách đỏ, hiện số lượng giảm đáng kể.
Tổng số lượt truy cập: