22/03/2021 09:55
Đam mê đờn ca tài tử từ nhỏ, năm 1940, ông Hai Chiểu được người chú họ ở Cần Thơ dạy chơi đàn kìm, gần hai năm kiên trì rèn luyện, ông mới sử dụng thành thạo đàn kìm. Theo ông Hai Chiểu, chơi đàn kìm khó hơn guitar vì đàn kìm có hai dây, khoảng phím rộng nên phải biết cách nhấn nhá cho khớp với nhiều chữ. Học đàn kìm tốn nhiều công, người học phải nhẫn nại; ngón tay nhấn phím đờn phải uyển chuyển, nhấn phải tới chữ thì nghe mới hay…
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Chiểu (Hai Chiểu) trình diễn ngón đàn kìm.
Để ngón đờn hay, từ năm 16 tuổi, ông Hai Chiểu cùng bạn biểu diễn đờn ca tài tử trong các đám tiệc, dịp lễ, tết phục vụ bà con. Ông Hai Chiểu kể: “Nhiều khi tôi chơi đàn kìm trong các hội diễn, hội thi, lễ, tết đã xong nhưng bà con vẫn yêu cầu tôi ca một vài câu mới cho về, không ca không được về”. Để thỏa đam mê, từ năm 1983 đến nay, hầu hết các hội thi, hội diễn đờn ca tài tử tổ chức ở xã, huyện, ông Hai Chiểu đều tham gia và trong lần đầu tiên huyện Giồng Riềng tổ chức hội thi đờn ca tài tử (năm 1983), ông giành giải nhất biểu diễn đàn kìm.
Tại hội diễn văn nghệ quần chúng năm 1985, ông được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen về thành tích sử dụng đàn kìm xuất sắc. Từ đó đến nay, ông Hai Chiểu giành nhiều giải thưởng trong các hội thi, hội diễn các cấp. Trong hội thi đờn ca tài tử tỉnh năm 2019, ông Hai Chiểu tham gia và nhận giải đặc biệt cho người cao tuổi nhất tham gia hội thi. Ông Nguyễn Văn Hạng - tài tử ca ở ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng chia sẻ: “Ông Hai Chiểu rất nhiệt huyết với nghệ thuật đờn ca tài tử. Ông không quản mưa gió bơi xuồng hàng chục cây số để sinh hoạt đờn ca tài tử. Ở đâu có biểu diễn đờn ca tài tử mời ông tham gia, ông đều đến. Con cháu, anh em không biết nhịp, ca chưa chuẩn, ông tận tình dạy”.
Ông Hai Chiểu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử ở địa phương phát triển. Ông sáng tác nhiều chập ngắn cải lương, chập ngắn đờn ca tài tử, vọng cổ, dàn dựng chương trình nghệ thuật… Ngoài ra, ông truyền dạy cho gần 20 tài tử đờn và hơn 100 tài tử ca. Ông Hai Chiểu chia sẻ: “Ai muốn học đờn ca tài tử, tôi dạy hết lòng, được dạy đờn ca tài tử là niềm vui của tôi”.
Thế hệ trẻ thích đờn ca tài tử phải bỏ công chuyên luyện, cố gắng và kiên trì mới thành thạo loại hình nghệ thuật dân gian này. Chính quyền địa phương cần duy trì sân chơi đờn ca tài tử, vận động mọi người tham gia thường xuyên, từ đó làm cơ sở để phát hiện người có năng khiếu đờn, ca để tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển
Nghệ nhân ưu tú HAI CHIỂU
Với đóng góp cho nghệ thuật đờn ca tài tử, ông Hai Chiểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc tại các hội diễn văn nghệ các cấp. Năm 2004, ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng.
Năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú do có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh cho biết: “Bằng tâm huyết và tình yêu nghệ thuật, ông Hai Chiểu dành cả cuộc đời để đeo đuổi nghệ thuật đờn ca tài tử. Dù tuổi cao, ông vẫn truyền dạy đờn ca tài tử nhiệt tình cho thế hệ trẻ, góp phần giúp huyện Giồng Riềng luôn đi đầu trong phong trào đờn ca tài tử của tỉnh”.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Các lực sĩ của Kiên Giang gồm: Nguyễn Minh Thuận và Hình Loan Anh đã đoạt 4 huy chương gồm 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng giải vô địch cử tạ quốc gia năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.
Tổng số lượt truy cập: