11/07/2021 12:36
Đã qua rồi cái thuở xốn xang lúc ông bầu gánh hát xách loa đi rao dài trong xóm. Đám trẻ trong xóm chạy theo xe ông bầu nhìn bằng được hình nghệ sĩ dán sau xe. Những phụ nữ trong nhà ra đứng trước ngõ cố nghe tên nghệ sĩ trong đoàn. Không khí tất bật hơn với cụm từ được nhấn đi nhấn lại nhiều lần của bầu sô “Chỉ một đêm duy nhất”.
Buổi chiều đó, tôi với má lội thêm mấy vạt đồng bắt ốc bán lấy tiền đi coi hát. Người trong xóm làm một cuộc “hẹn hò” khi sân khấu lên đèn. Không có tiền đi đò dọc, cơm nước xong, tôi với má cùng mấy thím trong xóm rủ nhau lội bộ. Đám trẻ con hăng say chạy lên trước đuổi bắt chuồn chuồn, có đứa hớn hở khi nhìn thấy một bông hoa lạ mà chúng tôi chưa từng thấy.
Dọc đường đi, các mẹ nhắc bầy con không được phá. Tôi với đám bạn vừa quen nhướng nhướng mắt nhìn nhau mỗi khi đi qua vườn trái cây hay bắt gặp cây ổi mọc trên đường. Con Thắm đứng dưới gốc cây cầm vạt áo hứng trong khi bọn con trai trèo lên tận đọt, chẳng mấy chốc vạt áo của Thắm đầy ổi chua. Chúng tôi chia nhau ăn dọc đường đi. Má tôi vẫn cầm khư khư bó đuốc lá dừa cho bận về. Những bà mẹ nhắc nhau về tuồng cải lương nào đó hay chuyện đồng áng. Những câu chuyện làm cho đoạn đường bớt xa hơn.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi hồ hở nhảy cẫng lên lúc thấy bóng đèn to sáng rực một khúc sông quê. Bãi đất trống tấp nập người chen chúc nhau, má nắm chặt tay tôi không rời. Mấy chiếc ghe thương hồ đậu san sát nhau treo đèn măng xông bán đủ loại trái cây cùng tiếng gọi mời không ngớt. Quán cháo bên đường nghi ngút khói, bàn ghế bắc sát ven đường cho một cuộc dừng chân. Má nắm tay kéo tôi đi lúc tôi đứng lại nhìn vào sạp đồ chơi được trải khắp trên đường. Tôi nhớ đôi tay thoăn thoắt của người soát vé và ánh nhìn thèm thuồng của những người không có tiền mua vé. Họ phải chờ đến lúc “xả giàn” mới được vào xem đoạn cuối của vở tuồng. Con Thắm chỉ tay vào gốc trâm bầu cặp mé sông: “Tao đợi mày ở đây nha, nhớ rủ tao về chung”.
Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân.
Rạp hát được dựng lên giữa bãi đất trống, xung quanh được bao quanh bằng lớp cao su dày đặc mà đứng bên ngoài không thể nhìn thấy được. Tôi đứng ngó quanh giữa biển người mênh mông, tay không rời tay má. Má dắt tôi đứng nép một bên mỏi mòn nhìn lên sân khấu. Bức màn nhung vừa hé mở, những tràng vỗ tay như nối dài nhau lúc bà chủ gánh hát tuyên bố mở màn. Má chắt mót gần hết tiền trong túi mới mua được vé nên không còn tiền mua ghế ngồi xem. Tôi đứng tê chân, đổi không biết bao nhiêu tư thế vẫn không thể quên cảm giác mỏi.
Tôi lắc lắc tay má chỉ về phía người bán ghế “Mình mua một cái ngồi nha má”. Lúc đó, má bận kéo vạt áo lau nước mắt khi cô đào hát có cái lúm đồng tiền khóc ngất trước cảnh chia tay người yêu ra chiến trận nên tôi lay hoài mà má không để ý. Trên cành cây gie ra gần rạp hát, tôi thấy con Thắm ngồi đung đưa chân mắt hướng về sân khấu…
Sân khấu kéo màn chuẩn bị cho phân cảnh tiếp theo, có vài người bỏ ghế ngồi mua bắp luộc, nước uống. Tôi kéo tay má lại ngồi xuống ghế, má lắc đầu nhìn tôi, má chẳng dám ngồi nhưng cũng đành để tôi ngồi nhờ một chút để đến lúc người ta quay lại tìm ghế đã ném vào tôi ánh nhìn căm phẫn. Bức màn nhung kéo ra, ánh sáng lung linh trên sân khấu như soi rọi nỗi buồn trên khuôn mặt tôi. Má xoa đầu ôm tôi vào lòng, câu vọng cổ lại vút lên trên ánh trăng rằm lấp lánh.
Cô đào chánh cúi đầu chào khán giả, mọi người lần lượt tràn lên sân khấu tặng hoa. Có bà già lấy khăn rằn vắt trên vai lau nước mắt, giọng bùi ngùi “Mèn đét ơi, gặp mặt được bây, má mừng hết lớn”. Bà già 60 tuổi kể đã lội qua ba vạt đồng, chín cây cầu khỉ mới tới được chỗ coi hát. Cô đào chánh mắt rưng rưng nhận chùm bánh tét: “Con lớn hơn má hai tuổi”...
Má đốt bó đuốc lá dừa trên tay, con Thắm vẫn đợi tôi chỗ cây trâm bầu, thằng Trung ngáp ngắn ngáp dài bước theo chúng tôi đi về. Gánh thương hồ bắt đầu dọn hàng xuống ghe bỏ bến, đò dọc nổ máy xao động cả một khúc sông. Đoàn người ra về, những chi tiết trong vở tuồng cải lương như còn vương lại trên mắt môi người, đám trẻ con ríu rít trên đường về. Ngọn đuốc của người này tắt, ngọn đuốc của người kia lại thắp lên. Tiếng chó sủa inh ỏi, chủ nhà hé cửa nhìn ra cười “Hôm nay người ta hát tuồng gì?”. Đoạn đường dài nhưng đâu đã mỏi chân…
Những gánh hát ngày xưa trôi vào dĩ vãng, con Thắm giờ về thành phố. Đám trẻ con giờ chẳng còn ai nghe cải lương, lâu lắm mới thoảng nghe đâu đó một câu vọng cổ buồn nao lòng. Bên ấm trà quê, ba má tôi vẫn bùi ngùi với một tuồng cải lương nghe buồn đứt ruột cứ như thế giới ngoài kia không làm ba má thay đổi ít nhiều. Bật lại tuồng cải lương hồi tôi với má băng đồng đi coi hát, má nheo mắt nhìn ra sân, ký ức ngày xưa như ùa về dưới thềm nắng mênh mông…
NGUYỄN ANH KẾT
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: