23/01/2024 10:10
Hai con sông Cái Lớn, Cái Bé chảy qua tạo nên những dãy cù lao xanh mướt của những cây dừa nước, vườn cau, vườn khóm bạt ngàn. Ai sinh ra và lớn lên trên vùng đất cù lao đều sẽ có những ký ức sâu đậm về loại trái cây bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào.
Nghề trồng khóm quê tôi có từ lâu đời, nhờ thổ nhưỡng nơi đây thích hợp chuyên canh cây khóm nên diện tích trồng khóm chiếm từ 70-80% diện tích trồng trọt trên địa bàn các xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao và Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Sản phẩm bánh hoa mai nhân khóm có hình như bông mai ngày tết vừa bắt mắt vừa thơm ngon, hấp dẫn.
Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng khóm qua nhiều thế hệ, nhiều người ở xã đến đây lập nghiệp cũng theo nghề trồng khóm. Một năm sau ngày đất nước giải phóng, bà nội tôi lấy chồng và theo chồng về cù lao Vĩnh Phước A lập nghiệp với nghề trồng khóm, từ đó đến nay bà tôi gắn bó với nghề hơn 40 năm. Gia đình tôi nối nghiệp ông bà nội giữ gìn và chăm sóc những vườn khóm.
Đối với gia đình tôi, cây khóm không chỉ là kế mưu sinh mà còn là tâm huyết mà ông bà dày công vun đắp. Nhờ cây khóm ông bà có thể mưu sinh, nuôi 6 người con ăn học thành tài. Trên từng gốc cây, ngọn lá dù gai góc, xù xì nhưng đẹp bởi khả năng thích nghi với vùng đất phèn chua, nước mặn.
Bên cạnh loại khóm cho trái quanh năm, gia đình tôi còn trồng khóm phụng, khóm bông để chưng tết. Ban đầu ba tôi chỉ trồng để chưng trong nhà cho đẹp nhưng nhờ màu sắc, hình dáng đẹp nên được nhiều người yêu thích. Sản lượng khóm cung ứng cho thị trường tết tuy không nhiều nhưng cũng có thu nhập để chi tiêu dịp tết.
Tùy vào thời tiết mỗi năm, nhưng thông thường khoảng đầu tháng chạp khóm phụng bắt đầu có hình dáng rõ ràng, sắc hồng đậm dần rực rỡ cả khu vườn. Trồng khóm phụng phải chăm chút tỉ mỉ nhưng khi khóm ra trái có dáng đẹp hay không còn tùy thuộc thời tiết. Năm nào tiết trời ôn hòa khóm ra trái đều, đủ chi, đỉnh khóm có 3-5 tay là đạt.
Vào mùa thu hoạch khóm cung ứng cho thị trường bánh, mứt khóm dịp tết, những vườn khóm quê tôi rộn ràng. Cân khóm xong người dân chừa lại một ít để làm bánh, mứt. Khi đó, không khí trong nhà tất bật vì các bà, các mẹ gọt khóm, ngào mứt, làm bánh khóm để đón tết. Chái bếp sau nhà tỏa hương ngào ngạt từ chảo mứt khóm nội tôi làm.
Người dân Kiên Giang làm mứt khóm đón tết.
Những gia đình khác trong xóm tôi cũng làm các món ăn từ khóm như khóm sấy mộc, khóm sấy muối ớt, bánh bông mai nhân khóm… Phần dùng đãi khách dịp tết, phần biếu bà con, dư thì mang ra chợ bán kiếm tiền mua đồ tết cho con cháu. Nhờ hương vị thơm ngon, chua ngọt ăn lâu ngán nên các sản phẩm bánh kẹo, mứt làm từ khóm được nhiều người yêu thích. Một số gia đình trang bị máy móc, thuê nhân công mở cơ sở sản xuất, từ đó quê tôi càng rộn ràng hơn, hương khóm ngày xuân tỏa khắp nơi.
Mỗi mẻ mứt khóm sên từ 4-5 tiếng mới xong, vị ngọt có sẵn, màu sắc vàng ươm tự nhiên đẹp mắt. Chúng tôi thích thú khi được giúp bà và mẹ ép mứt vì ngồi quanh ngửi thấy hương thơm của mứt khóm cảm giác nôn nao tết đến, thật vui làm sao.
Ngày cuối năm, mẹ tôi đi chợ tết mua một số đồ về nấu mâm cơm cúng ông bà. Trong khi các bà, các mẹ nấu cơm, cha tôi ra vườn hái trái khóm phụng ưng ý nhất để trang trí bàn thờ tổ tiên, ông bà. Trái khóm sặc sỡ sắc màu được trang trí những dây kim tuyến, cắm những trái sơ ri chín đỏ mọng càng làm mâm ngũ quả truyền thống rực rỡ.
Ông bà, cha mẹ tôi quanh năm vất vả chỉ mong một cái tết ấm no, đầm ấm và đem đến những điều tốt nhất cho con cháu. Hơi ấm đoàn viên bên mâm cơm đủ đầy, sung túc, con trẻ nô nức tiếng cười là hạnh phúc lớn nhất với ông bà, cha mẹ tôi. Mâm cơm ngày tết của gia đình tôi có hương vị khóm hòa quyện với những món ăn đồng quê dân dã xen những món thịt mỡ, dưa hành làm cho món ăn đậm đà, không ngán.
Trên mảnh đất phèn chua, nước mặn ngày nào, qua bàn tay lao động cần mẫn của những nông dân chịu thương chịu khó, những vườn khóm vẫn phủ xanh mướt nối tiếp nhau in đậm trong ký ức của bao người con đất cù lao cũng như cây khóm luôn vươn mình trong cái nắng, cái gió của xứ cù lao góp thêm hương vị ngọt ngào và sắc xuân rực rỡ…
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Hơn 400 học sinh từ các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trải nghiệm khoa thi Minh kinh bác học mùa 2 do Bảo tàng Kiên Giang tổ chức , tại TP. Rạch Giá.
Tổng số lượt truy cập: