09/04/2021 10:39
Đến với chùa Thứ Năm vào buổi chiều tối, tôi được thưởng thức âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ truyền thống do học viên thực hiện. Theo em Thị Sóc Phe, ngụ xã Nam Thái, em thích nhạc cụ dân tộc từ nhỏ. Mỗi khi trong xóm có đám cưới mở nhạc truyền thống hay tới mùa đua ghe ngo, nhà chùa tổ chức nghi lễ hạ thủy ghe ngo, các bác chơi nhạc cụ phục vụ rất hay.
“Nghe tin chùa mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống của dân tộc, em đăng ký học. Ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thầy chỉ dẫn nhiệt tình giúp em biết cách đánh một số bài truyền thống. Sau hơn 2 tháng học, em đánh thành thục nhiều bài”, em Thị Sóc Phe cho biết.
Cùng chung niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, em Thị Ngọc Quanh, ngụ ấp Năm Chùa, xã Nam Thái cho biết: “Sau giờ tan học, em cùng các bạn trong đội tập luyện các bài đàn. Ban đầu làm quen đàn cò, em thấy khó. Sau khi học bài đầu tiên, em thích và tích cực đến chùa cùng các bạn ôn luyện và học đàn. Mới đây, thầy cho chúng em đi biểu diễn phục vụ trong nghi thức nhập hạ, ra hạ, lễ cầu an tại các ấp. Các em vui khi biểu diễn được người dân khen”.
Các em học nhạc cụ dân tộc tại chùa Thứ Năm luyện tập nhằm phục vụ tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2021 của đồng bào Khmer.
Theo Đại đức Thạch Tây - giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc tại chùa Thứ Năm, những ngày đầu hướng dẫn cho các em gặp khó khăn. Nhiều em chưa hình dung ra loại hình nhạc cụ dân tộc. Khi làm quen với bài đầu tiên mất hơn nửa tháng các em mới chơi thành thục.
“Với niềm đam mê, các em đi tập đều, dù thời tiết có mưa vẫn đến chùa tập đó là niềm vui và hạnh phúc với tôi. Hiện đội nhạc cụ của chùa có 7 em học. Hơn 2 tháng học, các em thực hiện được 4 bài. Hy vọng, qua lớp đào tạo, các em phát huy tài năng của mình, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc”, Đại đức Thạch Tây cho biết.
Theo Thượng tọa Danh Nâng - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Thứ Năm, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer thường được sử dụng vào lễ cưới, nghi thức hạ thủy ghe ngo...
“Nói đến nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer hầu như chỉ có người lớn tuổi mới biết, còn lớp trẻ phần lớn không biết. Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer, chùa mở lớp truyền dạy cho các em yêu thích loại hình nghệ thuật nhạc cụ truyền thống, qua đó góp phần lưu giữ những món ăn tinh thần của cha ông để lại”, Thượng tọa Danh Nâng cho biết.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: