12/03/2021 15:11
TÌNH CỜ BÉN DUYÊN
Con đường đến với tranh gạo nghệ thuật của chị Tuyết Phượng tình cờ. Có năng khiếu vẽ từ nhỏ, chị Phượng thường vẽ những lúc buồn, vui hay đơn giản vẽ để tâm hồn thư thái hơn. Một lần thấy tranh gạo trên mạng, chị Phượng thích và làm thử.
Bức tranh gạo đầu tay mang chủ đề quê hương, được làm trên bìa giấy cotton cứng, lồng vào khung để đánh dấu thành quả của bản thân. Chị Phượng chụp đăng trang Facebook, không ngờ có người khách ở TP. Cần Thơ muốn mua. Ban đầu chị Phượng không bán, phần vì đó là đứa con tinh thần, phần vì không biết bán giá bao nhiêu. Vị khách mua giá 300.000 đồng, chị Phượng đồng ý bán nhưng sững sờ “sao anh mua mắc vậy?”. Từ đó, chị xác định tranh gạo sẽ gắn bó với cuộc đời mình.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng làm tranh gạo.
Để làm tranh gạo nghệ thuật, chị Phượng học kỹ thuật rang gạo cho thành màu như ý, đều màu, không bị gãy, bể hạt. Không qua trường lớp mỹ thuật, chị làm tranh gạo từ đam mê và đam mê là động lực để chị tìm tòi, mày mò, học cách làm tranh gạo ngày càng đẹp, bảo quản lâu. Để tranh gạo bền và đẹp, chị áp dụng kỹ thuật bảo quản bằng cách xịt keo, phơi nắng cho khô rồi mới cho vào khung. Mỗi công đoạn đều có kỹ thuật riêng, phơi không đủ khô tranh bị ẩm mốc còn quá khô hạt gạo giòn, bị gãy, mất độ bóng tự nhiên, không đạt yêu cầu về mỹ thuật.
Chị Phượng làm tranh với các chủ đề như phong cảnh, chân dung, thư pháp, động vật, tôn giáo… Hơn một năm vào nghề, chị Phượng bán hơn 100 bức tranh, lợi nhuận ít nhất 500.000 đồng/bức. Mỗi bức tranh được chị chăm chút tỉ mỉ từ khâu chọn, rang gạo, vẽ phác thảo, sắp xếp từng hạt gạo đảm bảo bố cục, độ khít của gạo, họa tiết, màu sắc hài hòa…
Bà Trương Thị Ảnh - mẹ chị Phượng chia sẻ: “Ban đầu, tôi thấy con mày mò làm, gạo phải rang tới rang lui nhiều lần mới đạt, làm xong không vừa ý lại gỡ từng hạt gạo rồi xếp lại, tôi không biết có thành công không. Sau đó, nhiều người đặt tranh, kỹ thuật làm tranh ngày càng điêu luyện, Phượng có thu nhập nuôi hai con, tôi mừng lắm”. Giờ bà Ảnh phụ chị Phượng rang gạo và làm một số công đoạn đơn giản.
TRANH GẠO LÀ CUỘC ĐỜI PHÍA TRƯỚC
Chị Phượng tiếp tôi ở phòng khách nhỏ của gia đình cha mẹ ruột, là không gian trưng bày tranh của chị. Ở đó có bức tranh “Hổ rình mồi” chị tâm đắc nhất, khách trả giá cao chị không bán. Với chị bức tranh đó như điểm tựa tinh thần, cho chị cảm thấy mình mạnh mẽ hơn để dù trong hoàn cảnh nào chị vẫn làm tròn trách nhiệm, lo cho hai con trưởng thành.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng làm tranh gạo.
Chị Phượng nhỏ nhắn, xinh xắn, hoạt bát và hay cười nhưng ít ai biết chị chiến đấu với nỗi đau, mất mát bằng tinh thần lạc quan, nghị lực, có cả sự chịu đựng bền bỉ. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo khi chị 26 tuổi, đang mang thai con thứ hai 9 tháng. Với chị, sinh con khi chồng vừa ra đi là nỗi đau không thể phai mờ.
Vượt qua nỗi đau mất chồng, chị cố gắng vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi hai con, cố gắng bù đắp tình thương để con không tủi thân. Đôi khi trái tim khát khao hạnh phúc và mệt mỏi vì áp lực cuộc sống, chị muốn tìm một bờ vai để nương tựa nhưng vì nhớ chồng, thương hai con còn nhỏ lại níu chân chị.
Trước khi làm tranh gạo, chị Phượng học làm tóc, chăm sóc da nhưng thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Giờ với thu nhập từ bán tranh gạo, mẹ con chị sống cùng cha mẹ ruột, được gia đình hai bên phụ giúp nên cuộc sống của chị ổn định.
Chị Phượng chọn gắn bó với tranh gạo không chỉ vì đam mê, có thu nhập nuôi con mà còn để hoài niệm về người chồng chị hết mực yêu thương. Thả hồn vào tranh gạo giúp chị cân bằng cuộc sống. Chị Phượng tự hào về con đường mình chọn vì nhờ nó chị có thể nuôi con, cho con thấy cuộc sống vẫn ổn dù không còn cha bên cạnh.
Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Phượng học hết lớp 9 rồi nghỉ học. Hiện chị học lớp trung cấp luật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành. Theo đồng chí Thạch Thị Xuyên - Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, thấy chị Phượng chăm chỉ lao động, hiếu thảo với cha mẹ, sống chan hòa, lãnh đạo khu phố động viên chị đi học nâng cao trình độ. Chi bộ khu phố Minh Phú hoàn thành hồ sơ nộp về Đảng ủy thị trấn Minh Lương đề xuất cho chị học lớp cảm tình Đảng. |
Hạt gạo quý không chỉ vì là lương thực phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn là chất liệu quý để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đáng trân trọng hơn đối với chị Phượng là niềm hạnh phúc. “Tôi dành tiền để học các lớp làm tranh, quyết tâm phát triển tranh gạo nghệ thuật bởi với tôi, tranh gạo là cuộc đời phía trước”, chị Phượng tâm sự.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Chó xoáy Phú Quốc được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính với giá 15.000 đồng.
Tổng số lượt truy cập: