24/02/2021 15:06
Thời kháng chiến, áo bà ba theo các bà, các mẹ tham gia chiến đấu. Hình ảnh người phụ nữ miền Tây mạnh mẽ, trung kiên luôn gắn với ba vật bất ly thân là nón lá, khăn rằn và áo bà ba. Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, ngày nay, áo bà ba được nhiều người sử dụng, trong đó có cả nam và nữ. Đối với người trẻ, chiếc áo bà ba được cách tân với nhiều kiểu cách và màu sắc trẻ trung, năng động hơn. Dù hội nhập hay phá cách, thêm màu sắc, hoa văn rực rỡ nhưng chiếc áo bà ba vẫn giữ riêng cho mình cái hồn cũng như sự mềm mại, dịu dàng của người phụ nữ miền Tây Nam bộ.
Cán bộ, hội viên phụ nữ TP. Hà Tiên mặc áo bà ba gói bánh tét tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ dịp tết.
Bên cạnh đó, áo bà ba được sử dụng trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa, góp phần quảng bá, hòa nhịp cùng cuộc sống hiện đại của bạn bè năm châu. “Tôi mặc áo bà ba đi dự các cuộc họp của phụ nữ, tôi muốn mọi người biết nhiều hơn đến chiếc áo đặc trưng của phụ nữ Nam bộ. Khi mặc áo bà ba, tôi tự tin và tự hào”, chị Huỳnh Thị Đẹp, ngụ khu phố 2, phường Bình San, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) tâm sự.
Việc thường xuyên mặc áo bà ba được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thực hiện trong cả hệ thống từ huyện đến cơ sở. Từ lâu điều này trở thành nếp bởi việc mặc áo bà ba không chỉ góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tạo nên hình ảnh đẹp của người làm công tác phụ nữ. Ở một số đơn vị cơ sở có quy ước mặc đồng phục áo bà ba khi cùng tham gia một sự kiện hay các chuyến về nguồn tại các địa điểm lịch sử, hoạt động sinh hoạt truyền thống…
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) mặc áo bà ba tham gia hội thi “Mỗi xã một sản phẩm” tại huyện.
“Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp vận động cán bộ mặc áo bà ba đi làm hay mặc vào những cuộc họp sinh hoạt hội. Ban đầu, các chị còn ngại vì sợ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc nhưng qua theo dõi việc mặc áo bà ba đi làm tạo ấn tượng tốt, môi trường làm việc thân thiện, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn nên các chị ngày càng thích mặc áo bà ba đi làm”, đồng chí Huỳnh Thị Sơn Ca - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội chia sẻ.
Ngày nay, áo bà ba còn được phụ nữ mặc trong các hoạt động du lịch. Nhân viên của nhiều địa điểm kinh doanh du lịch mặc áo bà ba để tạo nét đẹp thân thiện, gần gũi và là điểm nhấn độc đáo trong văn hóa du lịch miệt vườn, sông nước. Trong nhịp sống hiện đại, tôi thấy hình ảnh của những hướng dẫn viên du lịch dịu dàng trong chiếc áo bà ba đằm thắm, thêm chiếc khăn rằn quàng cổ, nón lá xinh xinh. Dù lên xe hay xuống tàu, hình ảnh chiếc áo bà ba vẫn tạo cho du khách ấn tượng khó phai, góp phần làm cho tour du lịch miệt vườn thêm thú vị.
Áo bà ba được chị Trương Bé Diễm - nhân viên Trung tâm du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng chọn làm trang phục đi làm mỗi ngày.
10 năm qua, áo bà ba luôn được chị Trương Bé Diễm - nhân viên Trung tâm du lịch Vườn quốc gia U Minh Thượng sử dụng. “Từ thời con gái, trong tủ quần áo tôi đã có áo bà ba. Khi làm việc tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, quá trình hướng dẫn, phục vụ khách, di chuyển nhiều, lúc lên xe, lúc xuống vỏ... tôi chọn áo bà ba làm trang phục mỗi ngày để dễ di chuyển, tạo nét đẹp thân thiện, gần gũi và là điểm nhấn văn hóa trong du lịch sông nước”, chị Diễm nói.
Ngày nay, giữa nhịp sống ồn ào, náo nhiệt, áo bà ba vẫn giữ nguyên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, duyên dáng, thướt tha cho người phụ nữ. Áo bà ba theo các chị thấp thoáng bên những rặng dừa xanh, áo bà ba thơm mùi khói bếp hay chiếc áo bà ba theo các chị làm việc chăm chỉ nơi công sở. Dù ở đâu, khi nào, người ta cũng dễ dàng say đắm trước vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của chiếc áo bà ba.
Bài và ảnh: BẢO KHÁNH
(KGO) - Tối 8-10, Tỉnh đoàn Kiên Giang phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc liên hoan các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng chào mừng Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Tổng số lượt truy cập: