02/02/2024 19:41
Chị Trần Thị Thùy Dương, ngụ khu phố 3, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chuẩn bị hoa tươi cúng đưa ông Táo về trời.
Những ngày cuối năm, công việc khá bận rộn, song chị Trần Thị Thùy Dương, 37 tuổi, ngụ khu phố 3, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cùng với cha là ông Trần Văn Miện (68 tuổi) vẫn tranh thủ chuẩn bị cúng đưa ông Táo về trời.
Sau chuyến công tác từ Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) trở về nhà, chị Dương tất bật chọn những đóa hoa cúc mẫu đơn nở to, tròn, đẹp, trái cây, kẹo thèo lèo để đưa ông Táo về trời.
Chị Dương cho biết từ nhỏ đã thấy ông, bà, cha mẹ cúng đứa ông Táo về trời nên chị làm theo. “Cho dù cuộc sống có bận rộn, hối hả bao nhiêu, tôi và gia đình vẫn giữ truyền thống, phong tục tiễn ông Táo về trời như một lời nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn, vun đắp tình cảm gia đình, hướng về nẻo thiện”, chị Dương nói.
Chị Trần Thị Thùy Dương, ngụ khu phố 3, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cúng đưa ông Táo về trời, cầu mong năm mới gia đình bình an, may mắn.
Kẹo thèo lèo là vật phẩm được nhiều người dân cho rằng không thể thiếu khi cúng đứa ông Táo về trời.
Trái cây tươm tất dâng ông Táo.
Ông Trần Văn Miện cho biết theo phong tục gia đình từ trước đến giờ, ngày 23 tháng Chạp gia đình chuẩn bị vài món cúng đưa ông Táo về trời, cầu mong cho bản thân và gia đình năm mới bình an, mạnh khỏe, vạn sự như ý.
Ông bà ta kể lại ông Táo, bà Táo theo tích xưa là những người giữ lửa, giữ sự ấm cúng cho gia đình. Trải qua thời gian và ở những vùng khác nhau, thì thể thức, hình thức cúng, vật phẩm dâng cúng ông Táo về trời có sự khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn mang ý nghĩa gửi gắm năm mới nhà cửa yên lành, may mắn...
Bà Lê Thị Thu Thảo, ngụ khu phố Thông Chữ, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chuẩn bị hoa, quả, trà, bánh mứt cúng đưa ông Táo về trời.
Hàng chục năm nay, vợ chồng ông Lê Minh Hùng và bà Lê Thị Thu Thảo, ngụ khu phố Thông Chữ, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn giữ nếp cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp.
Hôm nay, vợ chồng ông Hùng chuẩn bị hoa, quả, bánh mứt, chè trôi nước dâng cúng ông Táo. Ông Hùng cho biết vợ chồng ông không nặng về hình thức cúng, mà chủ yếu là tấm lòng. “Dân gian quan niệm rằng ông Táo, bà Táo được ông trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện, ác của con người. Do đó, khi cúng ông Táo là nhắc nhở bản thân và gia đình hướng về làm việc tốt, việc thiện”, ông Hùng nói.
Ông Lê Minh Hùng, ngụ khu phố Thông Chữ, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thắp nén hương đưa ông Táo về trời và soi rọi lại bản thân về việc giữ gìn nếp sống đạo đức.
Ông Hùng là thợ mộc đóng tàu cá, bà Thảo là thợ uốn tóc. Ông bà kết hôn từ năm 1995, khi ấy cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng cả hai luôn cố gắng làm ăn vươn lên, nuôi dạy các con ăn học đàng hoàng. Nay vợ chồng ông Hùng đều ngoài 50 tuổi, các con đã hoàn thành chương trình đại học, cao đẳng, trong đó con lớn đã lập gia đình.
Bà Thảo chia sẻ: “Năm mới, tết đến, tôi vẫn luôn dặn dò các con phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, cố gắng làm tốt công việc, vun đắp mái ấm gia đình để xây dựng đời sống hạnh phúc, đó là điều quan trọng nhất”.
Sau khi cúng đưa ông Táo về trời, người dân cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón năm mới với mong muốn một năm an lành, hạnh phúc, may mắn.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Hơn 400 học sinh từ các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trải nghiệm khoa thi Minh kinh bác học mùa 2 do Bảo tàng Kiên Giang tổ chức , tại TP. Rạch Giá.
Tổng số lượt truy cập: