13/03/2022 09:11
Các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân tích cực rà soát, hoạch định nhiều giải pháp trong bảo tồn và phát huy di sản đờn ca tài tử tại Kiên Giang nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể đờn ca tài tử khó khăn hơn so di sản vật thể. Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Vũ - Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho rằng, năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020.
3 năm qua, ngành văn hóa và thể thao tổ chức 2 cuộc thi đờn ca tài tử cấp tỉnh và 6 hội thi đờn ca tài tử cấp huyện tại An Biên, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Kiên Hải và một số huyện tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật đờn ca tài tử để phục vụ nhân dân, tạo sân chơi bổ ích cho các câu lạc bộ tham gia. Rà soát, thống kê số lượng nghệ nhân trên toàn tỉnh, phân cấp theo địa phương, đơn vị…; thành lập nhiều câu lạc bộ, đội nhóm; có nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ; mở lớp đào tạo, tập huấn; tạo điều kiện cho nghệ nhân sinh hoạt, tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn; đề nghị xét tặng các danh hiệu cao quý cho nghệ nhân. Hiện tỉnh ta có 11/15 huyện, thành phố thành lập và sắp xếp lại câu lạc bộ đờn ca tài tử; 4 huyện, thành phố gồm Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên và Giang Thành đang thành lập câu lạc bộ.
Buổi sinh hoạt thường lệ của Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang.
Theo ông Võ Trường Đấu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử TP. Rạch Giá, Câu lạc bộ đờn ca tài tử TP. Rạch Giá thành lập từ năm 2014, thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Rạch Giá. Câu lạc bộ có trên 50 hội viên với nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, sinh hoạt 2 kỳ/tháng. Năm 2019 và 2020, câu lạc bộ tham gia cuộc thi đờn ca tài tử cấp tỉnh và đoạt giải A. Tuy nhiên, nghệ thuật đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật sinh hoạt dân dã theo lối ngẫu hứng, đam mê, không phải là sân khấu chuyên nghiệp, rất ít nghệ nhân sống được bằng nghề nên nhiều người gác lại đam mê để dấn thân vào cuộc sống mưu sinh bằng ngành, nghề khác.
“Thời gian đầu, hội viên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đầy đủ nhưng về sau số lượng hội viên tham gia ngày càng ít hơn với nhiều lý do như vì cuộc sống mưu sinh, khó khăn về kinh tế… Các nghệ nhân đờn phục vụ buổi sinh hoạt câu lạc bộ được chi bồi dưỡng 100.000 đồng/lần, trong khi đờn phục vụ các điểm đờn, quán ăn được bồi dưỡng ít nhất từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, vì vậy để thu hút nghệ nhân tham gia thì cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn”, ông Đấu nói.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP. Rạch Giá tham gia cuộc thi đờn ca tài tử cấp tỉnh năm 2019.
Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt âm nhạc mang tính truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các đám tiệc, các buổi sinh hoạt, lễ hội của người dân Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng. Gần đây, phong trào đờn ca tài tử ở tỉnh ta có tín hiệu đáng mừng, nhiều nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động trở lại.
Cấp tỉnh có đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang cho từng giai đoạn 2018-2020, 2021-2025. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cuộc thi sáng tác cho bài bản đờn ca tài tử với gần 100 bài để in thành tuyển tập, sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của đờn ca tài tử phục vụ các câu lạc bộ trong tỉnh. Tuy nhiên, phong trào đờn ca tài tử của tỉnh chưa đồng đều, chưa vững chắc; hoạt động đội nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt thất thường do thiếu sự quan tâm đầu tư. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử ở tỉnh ta là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó ngành văn hóa giữ vai trò nòng cốt.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP. Rạch tổ chức kỷ niệm ngày sân khấu Việt Nam năm 2019.
Để có phong trào lâu dài phải tính đến việc đào tạo, truyền dạy bộ môn đờn ca tài tử, trong đó đào tạo ở trường nghiệp vụ văn hóa, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, đội nhóm, ở các trường phổ thông; thường xuyên tổ chức các cuộc thi để đánh giá; chỉ đạo phong trào cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để giới thiệu, quảng bá hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm hoạt động tốt, nghệ nhân đờn và ca. Đặc biệt cần có sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền và ngành văn hóa, nhất là nhạc cụ, phương tiện và hỗ trợ một phần kinh phí…
Trước thuận lợi và khó khăn trên, những nhà quản lý văn hóa cần sớm đề ra quyết sách, phối hợp cơ quan liên quan đề xuất các cấp có thẩm quyền để có đề án, kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử; rà soát số lượng nghệ nhân; củng cố câu lạc bộ, đội, nhóm; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý cho nghệ nhân đờn ca tài tử...
Bài và ảnh: TRƯƠNG VŨ
(KGO) - Tại Đại hội Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029 thông tin trong 5 năm (2019-2024), các hội viên của chi hội có hơn 500 tác phẩm được chọn triển lãm tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc, quốc tế và các cuộc thi ảnh chuyên đề do các bộ, ngành tỉnh, Trung ương tổ chức.
Tổng số lượt truy cập: