28/05/2021 10:18
Xóm biển quê tôi nằm ở đoạn kênh Mương Đào, thuộc xã Vân Khánh (An Minh). Ở vùng quê này, bà con làm kinh tế từ các vuông nuôi tôm, cua, mưu sinh dựa vào bãi bồi ven biển. Ở đó, người nuôi sò huyết, người sống nhờ vào nguồn thủy hải sản có sẵn trong tự nhiên.
Vẹm xanh hay còn gọi là con vòm là một trong những nguồn lợi có sẵn trong tự nhiên ở bãi bồi ven biển. Ngày trước, vẹm xanh không dùng để buôn bán mà người dân đi biển chỉ tiện tay bắt về để ăn. Quanh năm cha tôi mưu sinh trên bãi bồi nên vẹm xanh không xa lạ với gia đình tôi.
Theo cha tôi, vẹm xanh có quanh năm nhưng cứ đến khi gió mùa tây nam thổi là vẹm xanh có nhiều nhất vì thời tiết gió mùa này làm nước biển trong, sạch nên thích hợp để vẹm xanh phát triển. Tập tính của vẹm xanh là mỗi con sẽ kết dính vào nhau thành từng chùm và bám vào các cọc cây, trụ đá. Ở biển bồi, chúng sống chủ yếu dựa vào các cọc cây của người dân đặt nò, dớn. Những cọc cây cắm càng lâu thì vẹm xanh bám vào càng nhiều, đó là dấu hiệu để nhận biết khu vực nào có vẹm xanh sinh sống nhiều.
Người dân xã Vân Khánh (An Minh) bắt vẹm xanh ở khu vực biển bồi.
Những ngày gió mùa tây nam thổi, ngồi trên vỏ lãi cũng có thể nhìn được vẹm bám ở các cọc cây và đoán được cây nào có người bắt. Ngày đó, ở đâu có vẹm thì ai đi biển cũng có thể bắt đem về, không kể đó là cọc cây của chủ nào. Lúc bấy giờ để bắt được vẹm xanh chỉ cần lấy dây vỏ cột vào cọc cây và dùng lực máy để nhổ cây lên. Nếu muốn bắt vẹm to thì phải lặn xuống tận đáy để kiểm tra trước khi nhổ cọc, gỡ lấy con to rồi cắm cọc cây vào vị trí cũ. Mỗi cọc cây có thể có 20kg vẹm xanh, nhổ 3 - 4 cọc cây là khi về có thể chia cho họ hàng, bà con lối xóm.
Vẹm xanh có thể chế biến được nhiều món ăn tùy khẩu vị, sở thích, sự sáng tạo của các bà, các mẹ. Cách chế biến đơn giản nhất là rửa sạch vẹm đem nướng cũng đủ cảm nhận được vị ngọt lành từ thịt vẹm. Cầu kỳ hơn có thể luộc lấy thịt rồi đem xào xả ớt để ăn cơm hoặc làm nhân cho các loại bánh cũng rất ngon.
Khi mẹ đổ bánh hương thơm thoang thoảng thì ngoài sân cha tôi chuẩn bị rau vườn để ăn kèm. Mấy món bánh này chỉ cần ăn kèm thêm vài đọt xoài, lá cách, cát lồi là ngon miệng. Mọi người cùng nhau quây quần, ăn từng miếng bánh, cảm nhận vị ngọt béo của sản vật biển. Điều đó mang đến không gian đầm ấm cho gia đình, tình làng nghĩa xóm và cũng là tình quê hương.
Đến bây giờ, vị ngọt của con vẹm xanh không chỉ là món ăn của quê hương bãi bồi ven biển mà còn trở thành món ăn phổ biến ở nhiều nơi. Thời điểm này, bà con vùng biển bồi Miệt Thứ bắt đầu nuôi vẹm xanh để làm kinh tế. Bà con mua cây tràm đóng xuống bãi bồi để vẹm bám vào cọc cây sinh sản và phát triển. Thức ăn của vẹm là sinh vật phù du trong nước nên nuôi không tốn nhiều chi phí. Người nuôi chỉ cần thường xuyên lặn xuống nước kiểm tra các cọc cây để biết độ lớn của vẹm mà thu hoạch.
Tuy còn khó khăn nhưng đời sống của những hộ dân nuôi vẹm xanh bắt đầu khá hơn trước. Lực lượng thanh niên lao động trong xóm biển có thêm việc để làm là thu hoạch vẹm thuê. Vì bắt số lượng nhiều để bán nên cách thu hoạch vẹm chuyên nghiệp hơn, người bắt vẹm có bình hơi để lặn lựa bắt vẹm to dưới lòng biển.
Mỗi một sản vật quê hương đều mang giá trị cho người gắn bó với nó. Con vẹm xanh không chỉ mang vị ngọt nuôi dưỡng tâm hồn những người con quê biển mà còn mang lại nguồn kinh tế mới, góp phần làm giàu đẹp quê hương. Hy vọng những người dân quê tôi có thể tiếp tục khai thác và bảo tồn hiệu quả những tiềm năng của bãi bồi ven biển Miệt Thứ.
Bài và ảnh: THÚY TÀI
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: