10/03/2023 14:59
ĐỜN, CA LÀ ĐỘNG LỰC VƯƠN LÊN
Nghệ nhân Lý Văn Ngoan chơi guitar từ năm 9 tuổi, 4 năm sau căn bệnh cườm nước làm ông bị mù. Bị mù khi còn trẻ, ông khủng hoảng tinh thần.
Ông Ngoan kể: “Ban đầu tôi còn thấy mờ mờ, sau đó tôi không thấy gì. Ba tôi sợ tôi mù sau này không biết sống thế nào nên ông mời nhiều thầy đờn giỏi trong vùng dạy cho tôi. Ông muốn tôi lớn lên có nghề để nuôi sống bản thân”.
Vốn có khiếu nên ông Ngoan học nhanh, chỉ sau thời gian ngắn được truyền dạy, ông chơi được đàn guitar, kìm và thạo hầu hết các bài bản tài tử - cải lương. Ông nhanh chóng trở thành tay đờn có tiếng ở vùng quê Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang).
Nghệ nhân ưu tú Lý Văn Ngoan và cháu nội đang hợp xướng ôn lại các bài đờn ông đã truyền dạy cho cháu.
Đến năm 19 tuổi, ông Ngoan tham gia đội văn nghệ xã, đi biểu diễn khắp nơi... Từ đó ông không còn tâm lý mặc cảm, lo sợ và đờn, ca trở thành động lực để ông vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. “Sự kiên nhẫn, động viên, yêu thương của gia đình, ba mẹ tiếp thêm sức mạnh để tôi thoát khỏi bóng tối và tiếng đờn, câu hát là điểm tựa để tôi có cuộc sống như hôm nay”, ông Ngoan nói.
Từ năm 2004, ông Ngoan về TP. Rạch Giá sinh sống và tiếp tục hoạt động đờn ca tài tử. Ngoài công việc chạy show, thời gian rảnh, ông truyền dạy đờn ca tài tử tại nhà cho thế hệ trẻ.
TÍCH CỰC TRUYỀN DẠY CHO THỂ HỆ TRẺ
Năm nay gần 60 tuổi, hàng ngày, nghệ nhân ưu tú Lý Văn Ngoan vẫn tích cực hoạt động gìn giữ và trao truyền nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Căn nhà nhỏ của ông Ngoan nằm sâu trong con hẻm trên đường Võ Trường Toản thường vang vọng tiếng đờn kìm, guitar phím lõm, nâng lời ca cho nhiều tài tử tập bài đi dự các cuộc thi lớn. Ngôi nhà trở thành lớp học cho những người yêu thích đờn ca tài tử.
Nghệ nhân Lý Văn Ngoan chia sẻ: “Trước thực trạng âm nhạc dân tộc có nguy cơ lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình giải trí mới, tôi đề nghị các cấp, ngành thường xuyên quan tâm tổ chức hội thi, hội diễn đờn ca tài tử góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, đặc biệt truyền dạy nhạc cụ dân tộc để âm nhạc truyền thống của dân tộc không bị mai một với thời gian”.
Ông Ngoan truyền nghề cho tất cả những người yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. Đến nay, ông truyền dạy cho hơn 40 người. Không chỉ vậy, ông còn truyền dạy cho các con và cháu nội từ khi cháu 5 tuổi…
“Tôi mong có thể đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Tôi sẵn sàng hỗ trợ học trò chỉ cần các em có năng lực, đam mê và muốn theo đuổi đờn ca tài tử”, ông Ngoan nói.
“Đờn ca tài tử giúp tôi khỏa lấp nỗi buồn khiếm thị. Tôi may mắn có người vợ luôn đồng hành với tôi trong suốt chặng đường mưu sinh và vững bước với sự nghiệp đờn ca”, nghệ nhân ưu tú Lý Văn Ngoan nói. |
Đến nay nghệ nhân Lý Văn Ngoan có gần 50 năm gắn bó, say mê với đờn ca tài tử. Đến nay, niềm say mê ấy còn bỏng cháy nên ông luôn tự nhủ: “Khi nào còn khỏe là còn chơi và truyền dạy đờn ca tài tử”.
Với niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật đờn ca tài tử, tháng 9-2022, ông Ngoan được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhận ưu tú”, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đờn ca tài tử. “Đây là vinh dự và là trách nhiệm để tôi tiếp tục hoạt động, truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử cho thế hệ sau”, ông Ngoan chia sẻ.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG
(KGO) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Tổng số lượt truy cập: