01/06/2022 18:09
Chùa Sóc Xoài được thành lập vào những năm cuối thế kỷ 18 do hòa thượng Danh Phiêch sáng lập. Trải qua 19 đời trụ trì, chùa Sóc Xoài không chỉ là trung tâm giáo dục, văn hóa cho chư tăng và đồng bào Khmer mà còn là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
Ngày 6-12-1989, Bộ Văn hóa có Quyết định số 1570/VHQĐ công nhận chùa Sóc Xoài là di tích văn hóa cấp quốc gia. Thượng tọa Danh Phản - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Sóc Xoài cho biết: “Chùa nhận sự quan tâm của chính quyền các cấp đầu tư nâng cấp, sửa chữa chánh điện và các hạng mục, đến nay hoàn thành trong sự vui mừng của chư tăng và phật tử địa phương”.
Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp chư tăng và ban quản trị chùa trùng tu, nâng cấp hạng mục với tổng kinh phí trên 3,42 tỷ đồng. Chánh điện chùa Sóc Xoài có kiến trúc, điêu khắc độc đáo mang dấu ấn của Phật giáo Nam tông Khmer. Bên trong chánh điện, tượng Phật được nghệ nhân khắc họa trong tư thế trang nghiêm và thanh tịnh. Các bức tường bên trong ngôi chánh điện được trang trí bằng hình ảnh phù điêu, họa tiết sinh động và màu sắc sặc sỡ như chim thần Garuda, nữ thần Kaynor... với ý nghĩa bảo vệ, phù trợ cho chùa.
“Tôi thích kiến trúc của chánh điện chùa Sóc Xoài vừa mang nét đẹp kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer của hiện tại lại mang ý nghĩa về lịch sử. Hôm nay chùa làm lễ khánh thành nên dù bận việc tôi cũng tranh thủ đến chùa thắp hương cầu phúc cho gia đình và người thân”, anh Thạch Minh Luân, ngụ huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết.
Đồng chí Danh Phúc (giữa) - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thăm chùa Sóc Xoài - Dd tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Với ý niệm phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, thượng tọa Danh Phản dành nhiều tình cảm, tâm huyết về công tác bảo tồn giá trị văn hóa và lưu giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer. Năm 2017, thượng tọa Danh Phản vận động đồng bào phật tử đóng góp xây dựng tăng xá, Trường Pali - Kinh luận giới tỉnh, hàng rào, cổng chùa... với tổng kinh phí 7,585 tỷ đồng.
Từ khi xây dựng Trường Pali - Kinh luận giới tỉnh đến nay, chùa trở thành nơi tu học của tăng sinh trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, trung bình trường có khoảng 200 tăng sinh, có năm cao điểm lên đến 500 tăng sinh. Giáo viên thường xuyên giới thiệu về di tích văn hóa cấp quốc gia đến học sinh, tăng sinh để các thế hệ gìn giữ truyền thống này. Thầy Huỳnh Song - giáo viên bộ môn ngữ văn Khmer cho biết: “Khi dạy học sinh, tăng sinh tôi chú trọng đến việc liên hệ thực tế, trong đó tôi thường xuyên giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa chùa Sóc Xoài. Thông qua các tiết học giúp học sinh, tăng sinh hiểu hơn về truyền thống quý báu của dân tộc mình”.
Nhiều tăng sinh được đào tạo tại Trường Pali - Kinh luận giới tỉnh đến nay có việc làm ổn định. Thạc sĩ Danh Đồng - Phòng Thanh tra Pháp chế, Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Kinh nghiệm, kiến thức được chư tăng và giáo viên của trường cung cấp trở thành hành trang quý giá cho tôi chinh phục được ước mơ. Trường là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng những ước mơ để hôm nay tôi có được thành quả này, tôi thật sự rất biết ơn”.
“Lễ khánh thành chánh điện và hạng mục chùa Sóc Xoài diễn ra từ ngày 1 đến 3-6. Việc tu sửa, nâng cấp hạng mục chùa Sóc Xoài nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chư tăng và đồng bào Khmer tại địa phương. Qua đó chùa tiếp tục phát huy kết quả đạt được, phấn đấu để chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, giáo dục và bảo tồn, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer”, thượng tọa Danh Phản cho biết.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Chim bói cá còn có tên gọi khác là bồng chanh. Hiện có khoảng 90 loài trên khắp thế giới. Riêng nước ta phát hiện trên 10 loài bói cá; trong đó, có chim bói cá tai xanh (bồng chanh tai xanh), chim bói cá đỏ (bồng chanh đỏ) nằm trong sách đỏ, hiện số lượng giảm đáng kể.
Tổng số lượt truy cập: