19/01/2024 09:36
Mùa cá đồng ở quê tôi thường bắt đầu khi những cơn mưa đầu mùa vừa đến đến khi cơn gió bấc chớm thổi. Khi đó, cũng như nhiều lão nông trong xóm, ông tôi đem lưới dớn ra kiểm tra, cột cây, vá lưới chuẩn bị đem đi đặt.
Vào mùa, những chiếc dớn được đặt dọc hai bờ kênh, cách khoảng chục mét là có một cái. Từ sáng đến chiều, mọi người đi đổ lú, đổ dớn, lựa cá. Sản vật miền quê sông nước đa dạng, mang lại cho người dân quê tôi nguồn lợi cá sông, cá đồng, tép đồng phong phú.
Thành quả của những buổi đi thăm dớn đem về được người dân lựa ra, phần cân cho thương lái, phần cá nhỏ thả vào những chiếc mùng rộng cá dưới mé kênh để nuôi lớn rồi bán. Mớ tép đồng mẹ tôi đem rang lên, bắt thêm vài con cá lóc nướng trui và nấu tô canh bầu là được bữa cơm ngon. Nhờ có chiếc dớn mà người dân xóm tôi có thêm nguồn sinh kế và những bữa cơm quê đậm đà hương vị miền sông nước.
Người dân ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) làm dớn bằng tre và sậy.
Chiếc dớn được đặt ở nhiều địa hình khác nhau, tùy vào mực nước, độ rộng của khu vực đặt dớn mà điều chỉnh kích thước phù hợp. Ở Kiên Giang, mùa con nước tràn đồng, người dân các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng còn đặt dớn trên ruộng. Vì là cuối nguồn nên mùa nước nổi ở ruộng tương đối cạn, chỉ đặt dớn nhỏ để bắt cá đồng.
Ở vùng Đồng Tháp, An Giang nơi đầu nguồn của mùa nước nổi, mỗi năm người dân khu vực này đón một mùa cá dồi dào, nhất là cá linh. Những xóm dớn ở đầu nguồn càng nhộn nhịp tất bật, người dân tranh thủ sửa dớn cũ làm thêm dớn mới để đặt trên đồng nước.
Đầu mùa cá linh non rộ, có khi đổ một dớn là đầy một chiếc ghe đục. Nếu không đổ kịp cá chạy nhiều đến nỗi có khi bung cả chiếc dớn to. Vì vậy, mùa cá rộ, những người thợ dớn thường ra đồng canh dớn ban đêm, cứ cách vài tiếng là đổ một lần. Trong đêm, sương lạnh, giữa đồng nước nổi mênh mông bao phủ bởi màn đêm tĩnh mịch, những chiếc ghe đi canh dớn vẫn sáng đèn.
Trong khi chờ đổ dớn, mọi người ngồi quây quần bên bình trà nóng, nhấp ly rượu ấm nồng, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề, chuyện về mùa cá năm nay, năm trước và những mùa sau. Cứ như vậy, bao nỗi nhọc nhằn vơi đi thay vào đó là niềm vui về mùa đặt dớn trên đồng nước nổi đầy ắp cá tôm.
Trên dòng kênh ngầu đục phù sa ấy là nơi bao đứa trẻ miền quê tập bơi, tắm mát. Dòng nước đó còn cho chúng tôi những món quà quê ngon lành, đó là món cá nướng thơm lừng trong những buổi chiều lộng gió.
Mỗi lần đi thăm dớn về, ông tôi thường cho chúng tôi vài con cá rô, cá lóc để nướng ăn. Cá mới bắt lên còn tươi rói, thịt chắc, ngọt ngon, chúng tôi đứa nào cũng thích. Vị ngọt của phù sa nuôi lớn nguồn cá đồng và cũng nuôi lớn bao đứa trẻ nơi miền quê sông nước.
Chiếc dớn quê mộc mạc bao năm vẫn gắn bó với dòng kênh, con rạch, cánh đồng mỗi độ mùa mưa đến, mùa con nước tràn đồng. Đối với người nông dân quê tôi, điều ao ước của họ rất bình dị, đó là mong những dòng sông, con rạch quê mình luôn màu mỡ phù sa và có nguồn lợi sản vật dồi dào như ngày xưa để nghề đặt dớn sẽ luôn còn được giữ gìn như nét văn hóa, tập quán của người dân miền sông nước Cửu Long.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Chim bói cá còn có tên gọi khác là bồng chanh. Hiện có khoảng 90 loài trên khắp thế giới. Riêng nước ta phát hiện trên 10 loài bói cá; trong đó, có chim bói cá tai xanh (bồng chanh tai xanh), chim bói cá đỏ (bồng chanh đỏ) nằm trong sách đỏ, hiện số lượng giảm đáng kể.
Tổng số lượt truy cập: