24/02/2022 16:20
GÁO DỪA LÀM NHẠC CỤ
Sau những ngày giãn cách xã hội của năm 2021, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới là lúc câu lạc bộ múa Khmer ấp Kênh Năm trở lại sinh hoạt sau thời gian tạm dừng. Dù 70 tuổi, ông Danh Thiệm, ngụ ấp Kênh Năm, người có uy tín trong đồng bào Khmer vẫn uyển chuyển trong điệu múa rom vong cùng thành viên của câu lạc bộ.
Ông Danh Thiệm vui khi được cùng bà con và các em, cháu trong câu lạc bộ sinh hoạt các bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer. Ông Danh Thiệm cho biết: “Hầu hết các điệu múa truyền thống Khmer đều vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay, chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng và không giới hạn số người tham gia”.
Theo ông Danh Thiệm, múa rom vong chiếm vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể gắn cuộc sống đời thường, các lễ hội cổ truyền của dân tộc như Chol Chnam Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng như trống sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Vì vậy, thời gian qua, ông Danh Thiệm và bà Thị Xiêng, ngụ ấp Kênh Năm không ngại khó khăn truyền dạy các điệu múa, bài ca truyền thống của đồng bào Khmer cho các bạn trẻ.
Ông Danh Thiệm và bà Thị Xiêng biểu diễn điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer để thành viên trẻ của câu lạc bộ học theo.
Bà Thị Xiêng nói: “Đa phần thanh niên trong ấp dù mê ca hát nhưng chưa được dạy các bài múa, hát truyền thống của đồng bào, vì vậy tôi biết gì là chỉ cho các cháu. Khó khăn hiện nay là câu lạc bộ không có kinh phí để đầu tư nhạc cụ, trang phục truyền thống để phục vụ các buổi sinh hoạt sinh động”.
Thiếu nhạc cụ để chỉ dẫn múa, hát, ông Danh Thiệm tận dụng đồ dùng trong cuộc sống hàng ngày như gáo dừa, thùng nhựa đựng nước sơn để tạo thành âm thanh điệu nhạc, phục vụ việc chỉ dạy múa hát. Dù khó khăn nhưng các bạn trẻ trong câu lạc bộ thích thú khi được ca hát. Em Thị Bích Tiều - thành viên câu lạc bộ đi làm công ty xa nhà nhưng mỗi khi về nhà đúng dịp câu lạc bộ sinh hoạt hay dịp lễ, tết truyền thống là Tiều đều tham gia múa cùng các thành viên câu lạc bộ. “Em vừa được cô chú dạy múa vừa được đi múa phục vụ trong các dịp lễ, tết ở các nơi sinh hoạt của bà con trong ấp nên em rất thích”, Tiều chia sẻ.
HỌC HỎI NHAU PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Câu lạc bộ múa Khmer ấp Kênh Năm được thành lập năm 2008. Đồng chí Phạm Thu Thảo - Phó Bí thư Xã đoàn An Minh Bắc kể, nhận thấy trên địa bàn ấp có đông đồng bào Khmer, trong đó có nhiều thanh niên Khmer muốn học lời ca, điệu múa truyền thống của đồng bào nhưng không có nơi dạy nên đồng chí nảy sinh ý định thành lập câu lạc bộ tạo nơi truyền thụ, giao lưu văn nghệ truyền thống cho các bạn trẻ và các cô, chú lớn tuổi đam mê văn nghệ, từ đó câu lạc bộ ra đời và trực thuộc Xã đoàn. Hiện Xã đoàn An Minh Bắc nắm được khó khăn của câu lạc bộ và kiến nghị về trên để có hỗ trợ, tạo điều kiện giúp câu lạc bộ hoạt động hiệu quả hơn.
Thành viên câu lạc bộ múa Khmer ấp Kênh Năm hòa mình vào điệu múa truyền thống.
Câu lạc bộ hiện có 25 thành viên, có thành viên lao động, sản xuất tại địa phương, có thành viên đi làm xa. Do đó, thời gian qua câu lạc bộ duy trì sinh hoạt hàng tháng hoặc có khi 3 tháng sinh hoạt một lần và sinh hoạt vào dịp lễ, tết của đồng bào Khmer. Chị Thị Bích Tuyền - chủ nhiệm câu lạc bộ múa Khmer ấp Kênh Năm cho biết: “Ngoài sinh hoạt múa hát, chủ nhiệm câu lạc bộ phối hợp các vị có uy tín tuyên truyền các thành viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”. Theo chị Thị Vàng - thành viên câu lạc bộ, từ khi tham gia câu lạc bộ, ngoài được truyền dạy các bài múa, hát truyền thống, chị được Xã đoàn, chi đoàn và các cô, chú trong câu lạc bộ hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế hay để áp dụng.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Chim bói cá còn có tên gọi khác là bồng chanh. Hiện có khoảng 90 loài trên khắp thế giới. Riêng nước ta phát hiện trên 10 loài bói cá; trong đó, có chim bói cá tai xanh (bồng chanh tai xanh), chim bói cá đỏ (bồng chanh đỏ) nằm trong sách đỏ, hiện số lượng giảm đáng kể.
Tổng số lượt truy cập: