08/04/2022 10:27
Từ lâu, thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa nhắc nhở, củng cố tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân Việt Nam. Tự hào hơn khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6-2-2012).
Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân Kiên Giang thành tâm hướng về nguồn cội. Trong hành trình khám phá đất phương Nam, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được các thế hệ đi trước lập lên tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) năm 1957. Đến năm 2004, đền được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tiết mục “Trống hội” tại lễ dâng hương Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp năm 2021.
Khi tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Kiên Giang tăng cường công tác bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại địa phương. Tỉnh triển khai dự án trùng tu, tôn tạo, xây dựng mở rộng Đền Hùng Tân Hiệp, đến nay đền có diện tích 20.000m², khang trang hơn, đẹp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngưỡng vọng, về chiêm bái của người dân trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Kiên Giang phê duyệt đề án mở rộng quy mô tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, quảng bá hình ảnh về đất và người Kiên Giang. Qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính tri ân công đức của các vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, đề án mở rộng quy mô tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nhằm nhận diện thực trạng tổ chức lễ hội Đền Hùng, huyện Tân Hiệp hiện nay. Xây dựng chương trình kịch bản, mở rộng quy mô tổ chức phù hợp nhu cầu của người dân, xứng tầm với ý nghĩa lịch sử và giá trị của di tích, góp phần nâng cao đời sống và định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh. Đề án nhằm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của địa phương; từng bước đưa lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp trở thành hoạt động văn hóa, du lịch, quảng bá hình ảnh về đất và người Kiên Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa...
Người dân đến lễ bái tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (Tân Hiệp) năm 2021.
Kiên Giang đưa ra giải pháp thực hiện đề án như nâng cao nhận thức tư tưởng của người dân; tăng cường quản lý nhà nước và hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - hạ tầng; tuyên truyền, quảng bá, hợp tác và liên kết phát triển; khai thác trò chơi, trò diễn, văn hóa, nghệ thuật truyền thống kết hợp các hoạt động văn hóa mới, hình thành tập quán mới làm phong phú nội dung lễ hội...
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm tại Kiên Giang không chỉ tổ chức cho người dân Kiên Giang chiêm bái mà đồng bào nhiều nơi có lòng đến viếng. Đồng thời, việc ở nơi cách xa đất Tổ hơn 2.000 cây số phía tây nam Tổ quốc có Đền Quốc Tổ Hùng Vương càng góp phần tô thắm thêm truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Ngôi đền như lời nhắc nhở cộng đồng các dân tộc hướng về nguồn cội và chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng…
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Cuộc thi ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Tự hào người chiến sĩ Kiên Giang”, sau hơn 4 tháng phát động, thu hút trên 560 tác phẩm của 20 tác giả trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia. Ban tổ chức chọn 80 tác phẩm triển lãm và 10 tác phẩm đoạt giải.
Tổng số lượt truy cập: