12/03/2021 15:16
THĂNG TRẦM ĐỜN CA TÀI TỬ
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân. Khoảng đầu thế kỷ 20, tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) hình thành nhiều gia đình, nhóm đờn ca tài tử. Năm 1936, nhóm Dây đờn Rạch Giá ra đời gây tiếng vang trong giới tài tử khắp Nam bộ. Thập niên 50 - 70 của thế kỷ 20, nhiều người trưởng thành trên con đường nghệ thuật, có nhiều tác phẩm mới ca ngợi vẻ đẹp đất và người Nam bộ.
Tài tử trình diễn tại Hội thi đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang năm 2020.
Sau ngày miền Nam giải phóng, tại Rạch Giá còn một số nhóm đờn ca tài tử nổi tiếng như Ba Ca, Hai Kỳ... Từ năm 1990-2010, phong trào đờn ca tài tử không mạnh như trước; nhiều câu lạc bộ hợp tan theo mùa hội diễn, số lượng nghệ nhân giỏi về đờn ca tài tử ngày càng ít do tuổi tác, giới trẻ ít người được truyền dạy về loại hình nghệ thuật này.
Bước ngoặt đánh dấu phong trào đờn ca tài tử Kiên Giang khởi sắc là khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. “Sau khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình này được quan tâm thực hiện đúng mức. Tỉnh thường xuyên mở lớp bồi dưỡng đờn ca tài tử, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu, hội thi đờn ca tài tử các cấp; lập đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu cho biết.
Hiện Kiên Giang có khoảng 150 câu lạc bộ và nhóm đờn ca tài tử cùng hàng ngàn người tham gia sinh hoạt. Các địa phương có phong trào đờn ca tài tử mạnh như các huyện An Biên, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và TP. Rạch Giá… Trong đó, nhiều câu lạc bộ đạt giải thưởng trong các kỳ liên hoan trong và ngoài tỉnh, nhiều thế hệ gia đình theo nghiệp đờn ca tài tử và hiểu rõ về đờn ca tài tử”, đồng chí Nguyễn Văn Sáu cho biết.
BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, thời gian qua, ngành phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đờn ca tài tử. Song song đó sưu tầm, phân loại, hệ thống hóa các bài, xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật đờn ca tài tử. Tỉnh mở lớp đào tạo, truyền dạy đờn ca tài tử; lồng ghép các hoạt động biểu diễn, giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Từ đó, góp phần đưa nghệ thuật đờn ca tài tử ngày càng gần gũi hơn với công chúng.
Tài tử nhí tham gia Hội thi đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang năm 2020.
Nghệ nhân Chín Thảo (Trần Thanh Thảo) - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh kiêm Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử huyện An Biên cho rằng: “Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần có một điểm sinh hoạt chung để các tài tử tập hợp cùng sinh hoạt, tập luyện, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề để tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ, tạo nguồn cho phong trào đờn ca tài tử. Chính nguồn kế thừa là điều kiện quan trọng để bảo tồn, giữ gìn loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của dân tộc”.
Nghệ nhân đờn ca tài tử ưu tú Hai Chiểu (Lê Văn Chiểu), ngụ ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) chia sẻ: “Thế hệ trẻ thích đờn ca tài tử cần phải tích cực luyện tập, cố gắng và kiên trì mới thành thạo được loại hình nghệ thuật dân gian này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần duy trì được sân chơi đờn ca tài tử, vận động mọi người tham gia thường xuyên. Từ đó làm cơ sở để phát hiện người có năng khiếu đờn hoặc ca để tiếp tục rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển, từ đó phong trào mới thực sự lớn mạnh”.
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh: “Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng các câu lạc bộ, nghệ nhân đờn ca tài tử; đẩy mạnh các mặt truyền dạy, sáng tác, thực hành đờn ca tài tử”.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Sáu, tỉnh Kiên Giang sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá đờn ca tài tử nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Các lực sĩ của Kiên Giang gồm: Nguyễn Minh Thuận và Hình Loan Anh đã đoạt 4 huy chương gồm 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng giải vô địch cử tạ quốc gia năm 2024 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk.
Tổng số lượt truy cập: