08/03/2022 10:25
Để tôn vinh áo dài Việt Nam, những năm qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động tuần lễ áo dài nhân dịp chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về lịch sử, giá trị của áo dài Việt Nam. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, nhất là cán bộ, hội viên phụ nữ trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam.
Theo đồng chí Trần Thu Hồng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trải qua năm tháng, áo dài được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống của phụ nữ. Vẫn giữ kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, người thợ thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại được chắt lọc từ văn hóa truyền thống Việt Nam như thêu họa tiết trang trí, điểm thêm hoa văn từ trang phục của các dân tộc Việt Nam, họa tiết trống đồng... tạo nên nét riêng cho áo dài Việt Nam. Những năm gần đây, phụ nữ mặc áo dài ngày càng nhiều. Nếu như trước đây áo dài chỉ xuất hiện vào dịp lễ trọng đại thì ngày nay áo dài được phụ nữ thường xuyên mặc đi đám cưới, dự tiệc, họp lớp, đi lễ chùa, du lịch. Trong nhiều trường học, công sở, áo dài trở thành đồng phục.
Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Vĩnh Bảo (TP. Rạch Giá) trong trang phục áo dài dự họp mặt nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.
Năm nay, hưởng ứng tuần lễ áo dài, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức mặc áo dài khi tham gia hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống, ngày lễ lớn, sự kiện của cơ quan, đơn vị. “Tuần lễ áo dài năm 2022 diễn ra từ ngày 1-3 đến ngày 8-3-2022, tập trung đồng loạt ngày 8-3-2022 nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài. Phụ nữ mặc áo dài để khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam”, đồng chí Trần Thu Hồng nói.
Ngày nay, áo dài trở thành trang phục công sở cho nhiều ngành, nghề, nhất là chiếc áo dài trắng biểu hiện cho sự tinh khôi của nữ sinh Việt Nam. Tại các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế, thí sinh Việt Nam thường mặc áo dài để dự thi, qua đó chiếc áo dài Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn... Chị Lê Mỹ Lành, ngụ huyện Châu Thành chia sẻ: “Trang phục của phụ nữ đa dạng nhưng tôi vẫn thích mặc áo dài truyền thống vào dịp lễ, tết. Áo dài giúp tôi tự tin vì kín đáo, dịu dàng, thướt tha”.
Cán bộ Thư viện tỉnh mặc trang phục áo dài trong quá trình làm việc.
Hưởng ứng tuần lễ áo dài, hơn 2 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện An Minh vận động tặng áo dài cho hội viên phụ nữ khó khăn. “Sau khi hội phát động quyên góp áo dài cho phụ nữ khó khăn, nhiều người đồng tình hưởng ứng. Những bộ áo dài được giặt sạch, xếp gọn vào từng túi nhỏ để chuyển tới hội cơ sở để tặng phụ nữ không có điều kiện may áo dài, góp phần chia sẻ, giúp đỡ, động viên phụ nữ khó khăn tham gia hoạt động của hội, hơn nữa còn là sự gắn kết, chia sẻ giữa phụ nữ với nhau”, đồng chí Phạm Thị Việt Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện An Minh cho biết.
Chị Lê Mỹ Lành, ngụ huyện Châu Thành thướt tha trang phục áo dài bên cánh đồng sen.
Áo dài Việt Nam là biểu tượng, là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam bởi nó không chỉ góp phần tôn vinh nét đẹp của phụ nữ mà còn là di sản văn hóa vật thể cần được gìn giữ và phát huy.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Các nữ cung thủ đội tuyển Kiên Giang đã có khởi đầu thuận lợi tại giải vô địch bắn cung các đội mạnh quốc gia năm 2024 với 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Tổng số lượt truy cập: