31/08/2020 21:42
Âm nhạc Khmer có nhiều loại nhưng có thể chia thành 2 loại cơ bản gồm nhạc cổ điển và tân nhạc. Tùy theo tính chất của buổi lễ mà hoạt động biểu diễn văn nghệ có quy mô, giai điệu và ý nghĩa khác nhau. Ở các lễ hội, việc biểu diễn văn nghệ nhằm tôn vinh các loại hình nghệ thuật như múa trống sa dăm, múa lâm thôn, múa apsara, dù kê… Vào các dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn Ta, Ok Om Bok, tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh, đồng bào Khmer rủ nhau đến chùa để cúng và tham gia các hoạt động văn nghệ.
Thông qua các câu hát, điệu múa, người dân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn đối với các anh hùng dân tộc. Điều quan trọng mà các buổi biểu diễn văn nghệ đồng bào Khmer hướng đến là sự gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đây là yếu tố cần thiết để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chung sức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.
Trong tiếng đàn, tiếng trống ngân vang, người dân cùng nhau nhảy múa, hát những bài hát quen thuộc. Những điệu múa uyển chuyển, đôi tay uốn cong khéo léo… là những nét đặc trưng của đồng bào Khmer. Tham gia biểu diễn không chỉ có những ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp mà hoạt động còn thu hút sự tham gia của nhiều người, nhất là học sinh.
Trung bình mỗi năm, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh có từ 70 - 80 suất lưu diễn để phục vụ từ 35.000 - 40.000 khán giả là đồng bào Khmer ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh cho biết: “Khi chúng tôi lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa, khán giả xem đông, yêu mến đoàn và các nghệ sĩ. Tình cảm của khán giả là động lực để đoàn ngày càng phát triển”.
Thành viên câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) biểu diễn phục vụ người dân tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 tại trụ sở ấp Vĩnh Lợi.
Chúng tôi có dịp ghé thăm câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng). Người chuẩn bị trang phục, người sửa lại dụng cụ và nhạc cụ, mọi người vừa làm vừa trò chuyện rộn rã. Một số thành viên của câu lạc bộ đang tập những tiết mục văn nghệ. Anh Danh Dệ - Chủ nhiệm câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Nhạc cụ như trống, đàn tranh, đàn cò… do các thành viên tự làm, còn các bạn nữ mua vải may trang phục. Tuy có khó khăn nhưng với tình yêu âm nhạc, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa nên mọi người cùng cố gắng để phục vụ văn nghệ cho người dân”.
Mỗi tháng 2 lần, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt văn nghệ phục vụ người dân trong ấp, xã. Chị Thị Nị, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Từ khi có câu lạc bộ biểu diễn phục vụ bà con, tôi và người dân trong ấp rất vui. Bên cạnh xem văn nghệ, có khi chúng tôi tham gia cùng múa, hát, từ đó làm cho bà con trong xã, ấp ngày càng gắn bó, đoàn kết”.
Những buổi biểu diễn văn nghệ không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần kết nối những trái tim yêu nghệ thuật trong đồng bào Khmer. Đồng chí Danh Vuông - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc biểu diễn văn nghệ tại các địa phương góp phần to lớn trong việc bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer, qua đó đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt”.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Ngày 14-3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang phối hợp Phân hội Điện ảnh, Phân hội Nhiếp ảnh, Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang và Chi hội Nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống điện ảnh và nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2025).
Tổng số lượt truy cập: