28/03/2022 11:03
Theo kế hoạch, dự kiến năm 2022 toàn tỉnh mở 255 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và khu du lịch; lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với 7.500 lao động, tổng kinh phí 12 tỷ đồng (trong đó, kinh phí địa phương 10 tỷ đồng, kinh phí Trung ương 2 tỷ đồng).
Đối tượng đào tạo nghề là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trong đó, ưu tiên người khuyết tật và đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân, người chấp hành xong án phạt tù; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Người lao động làm việc trong khu, cụm công nghiệp và khu du lịch; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, trang trại, làng nghề, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức và cá nhân chế biến sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản và nghề muối, hộ nông dân, cá nhân, các chủ thể tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo xã Vĩnh Phong khảo sát tình hình lao động nông thôn học nghề gia công sản phẩm bằng dây nhựa tại mô hình thanh niên Nhựt Hào, ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận).
Người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Riêng đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng ngoài việc được miễn học phí còn được hỗ trợ thêm tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, ấp vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra một số giải pháp: Tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho những cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu theo hướng tập trung, tránh dàn trải; ưu tiên đầu tư hoàn thiện cho những cơ sở đào tạo tại địa phương có nhu cầu học nghề cao và có khu, cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức trong việc học nghề, gắn với giải quyết việc làm, thông qua các biện pháp tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo theo hướng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tuyển dụng đáp ứng yêu cầu về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ; chuẩn năng lực sư phạm; chuẩn kỹ năng nghề...
Tin và ảnh: MI NI
(KGO) - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: Phú Quốc phải xây dựng hình ảnh để thế giới biết đến ngoài thương hiệu du lịch còn phải là nơi đến an lành, đáng sống...
Tổng số lượt truy cập: