30/03/2022 13:12
Ngày 25-3-2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT về phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Đồng chí Lê Quốc Anh (giữa) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang.
Giai đoạn 2022-2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích 166.800ha gồm cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000ha; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900ha; cây cà phê Tây Nguyên 19.700ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200ha. Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường...
Giai đoạn 2024-2025 mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ hợp tác xã gồm trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang); trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang); trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp); trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).
Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và hợp tác xã 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN, ngày 25-3-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Đề án đề ra mục tiêu củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng xã hội hóa, đa dạng chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần củng cố, xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam; tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu. Lộ trình đề án chia thành 2 hợp phần. Hợp phần 1 (2022-2023) thực hiện đề án thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng thực hiện tại 13 tỉnh gồm Sơn La, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Hợp phần 2 (2024-2025) thực hiện dự án đánh giá và nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng trong hệ thống khuyến nông thực hiện tại 15 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung có điều kiện tương tự.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam nhấn mạnh đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Đề án đề ra giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ tại các địa phương, tạo liên kết vùng hiệu quả, xóa bỏ tình trạng được mùa mất giá đang làm khó nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai giải pháp hỗ trợ địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất; tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm…
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 13-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tiên (Kiên Giang) tổ chức tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tại lễ phát động, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tôn giáo trên địa bàn TP. Hà Tiên đóng góp trên 82,6 triệu đồng.
Tổng số lượt truy cập: