27/10/2023 13:28
Giai đoạn 1959-1969 tại chi khu Kiên Bình thuộc tiểu khu Kiên Giang (nay là huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), địch xây dựng đại đội ác ôn khét tiếng do tên thiếu úy Võ Văn Sang làm đại đội trưởng, gây ra biết bao đau thương, tổn thất cho Đảng bộ, nhân dân Giồng Riềng và vùng lân cận. Giai đoạn này, đại đội biệt kích đã giết hại hơn 2.000 cán bộ và nhân dân trong huyện (riêng Ngọc Chúc có khoảng 100 người)...
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 207-519 viếng Khu di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc.
Hồi ức về 60 năm trước, đồng chí Lê Văn Đấu - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 2, Tiểu đoàn U Minh 10 (hiện 82 tuổi, ngụ ấp Thạnh Thắng, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng) - nhân chứng lịch sử, người trực tiếp tham gia trận đánh làm nên chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc cho biết: “Năm 1961, đơn vị chủ lực là Tiểu đoàn 303-307 phục kích đánh tiêu diệt đại đội biệt kích chi khu Kiên Bình (nay là huyện Giồng Riềng) nhiều lần nhưng không thành. Có lần Tiểu đoàn 303 phục kích tại Kênh Ranh, xã Thạnh Hưng, dụ bọn chúng vào trận nhưng bị lộ và bị chúng đánh úp từ phía sau, đơn vị phải bỏ công sự vượt sông. Từ đó, bọn chúng càng hung hăng, cảnh giác và ác ôn hơn trước. Cuối năm 1961, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Rạch Giá đề nghị Khu ủy, Quân khu 9 tìm mọi cách tiêu diệt bọn này vì cán bộ, đảng viên của ta đã hy sinh quá nhiều”.
Đầu năm 1963, Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ thị cho Tỉnh đội bằng mọi phương diện, phải tiêu diệt đại đội ác ôn Võ Văn Sang (đại đội bảo an chi khu Kiên Bình). Vào thời điểm ấy, Tiểu đoàn U Minh 10 (nay là Tiểu đoàn 207) chỉ có 140 quân.
Chấp hành chỉ thị, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn U Minh 10 cùng đồng chí Phan Thái Quý (Chín Quý) - Tỉnh đội trưởng chỉ huy trưng dụng trung đội địa phương quân Gò Quao và địa phương quân Giồng Riềng cùng đi nghiên cứu địa bàn nhiều xã, cuối cùng chọn xã Ngọc Chúc làm địa điểm tiêu diệt bọn ác ôn do tên Võ Văn Sang cầm đầu với chiến thuật “công đồn đã viện”.
Với địa bàn và phương án cụ thể, đồng chí Chín Quý triển khai chiến thuật “công đồn đã viện”. Ban đầu, đồng chí Chín Quý lo sợ dọc Lộ Mới xã Ngọc Chúc quân ta tấn công bọn địch sẽ lấy bờ lộ làm công sự. Đồng chí Chín Quý bố trí dọc theo tuyến Lộ Mới Ngọc Chúc, nơi dự tính địch sẽ đi qua, tại đây quân ta chặn đánh. Đồng thời, các chỗ cầu khỉ hoặc lộ lở sẽ cắm chông, gài chất nổ và nơi nào bọn địch có thể dồn nhiều vào đó thì ta cho “gài mìn, định hướng cầm tay, bấm nút cho nổ”.
Đồng chí Chín Quý giao xã đội Ngọc Chúc, Hòa Thuận trong vòng 10 ngày phải nộp đủ 15 ngàn mũi chông tre già vót nhọn hai đầu, dài 2,5m; đến đêm ta âm thầm bố trí vào những nơi đã dự định. Đến sáng 12-11-1963 (nhằm ngày 27-10 âm lịch), với ý chí quyết thắng chờ địch lọt vào thế trận, ta đồng loạt nổ súng. Đúng như ta dự định, bọn địch lao xuống những chỗ “công sự” mà ta đã cắm chông, gài mìn để chống cự. Chỉ riêng chiến thuật này, quân địch bị tiêu diệt hơn 1/3, nhờ vậy góp phần thắng lợi cho trận đánh.
Các đội tham gia hội thao cụm thi đua số 2 đến viếng, thắp hương tại Khu di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc dịp lễ Quốc khánh năm 2023.
Với chiến thuật bố trí sẵn, nhiều tên địch bị diệt, kẻ địch tháo chạy khi chúng biết tên Sang đã bỏ mạng. Chúng mở đường máu chống trả quyết liệt, giằng co từng đoạn lộ để chạy về chi khu. Quân ta khóa hết các đường tháo chạy, địch liều chết càn vào lực lượng phục kích, lúc bấy giờ quân ta và địch đánh “giáp lá cà” bằng lưỡi lê và bằng súng vô cùng khốc liệt; sau hơn 2 giờ chiến đấu lực lượng của ta làm chủ trận địa, đại đội bảo an bị tiêu diệt và tên chỉ huy Võ Văn Sang đền tội.
Trận phục kích tiêu diệt đại đội biệt kích chi khu Kiên Bình, quân ta đã tiêu diệt 114 tên, bị thương và chạy thoát 12 tên, bắt sống 4 tên; thu 94 súng các loại. Tiểu đoàn U Minh 10 hy sinh 28 chiến sĩ, tại trận đánh ta bị thương 32 chiến sĩ; huyện Gò Quao tham gia 42 chiến sĩ, hy sinh 14 chiến sĩ… Trong 21 năm chống Mỹ, xã Ngọc Chúc đã diễn ra 250 trận đánh lớn nhỏ, thu 850 súng các loại, tiêu diệt 11 đồn bót… diệt hơn 2.000 tên địch. |
Đồng chí Lê Văn Đấu kể: “Trận đánh đó làm chấn động cả miền Tây, làm háo hức lòng dân cả vùng và có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù lực lượng ta ít hơn, vũ khí ta kém hơn, nhưng nhờ cách đánh cắm chông, gài chất nổ của đồng chí Chín Quý nên đã thắng lợi và phát triển phong trào cách mạng quần chúng sau đó”.
Theo đồng chí Trần Nữ (73 tuổi) - nguyên Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng, là người con xã Ngọc Chúc nhớ lại, tiếng súng nổ lúc đó liên tục trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, đến khi nhân dân được thông báo thắng trận, quân và dân vui mừng, không chỉ nhân dân Giồng Riềng mà nhân dân các vùng giáp ranh như huyện Gò Quao, Tân Hiệp, Châu Thành và một số vùng Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang… phấn khởi.
Trận đánh nói lên lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhân dân ta nói chung, nhân dân Ngọc Chúc nói riêng. Sau trận đánh còn mở ra việc phát triển lực lượng vũ trang sắp đến và đẩy mạnh phát triển phong trào cách mạng quần chúng.
Đồng thời, chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc là một đòn giáng mạnh vào tinh thần bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Kiên Giang lúc bấy giờ, nhất là bọn đồn bót, gián điệp xung quanh huyện Giồng Riềng, huyện Tân Hiệp và một phần tiếp giáp huyện Gò Quao, Châu Thành co lại, không dám hoạt động như trước.
Từ đó, phong trào cách mạng của quần chúng ở xã, ấp được đẩy mạnh; nhiều nơi, trước đây hoạt động bí mật, nay chuyển sang hoạt động công khai, vào sát đồn bót địch như phía đông bắc huyện Giồng Riềng và vùng phía nam lộ Cái Sắn thuộc huyện Tân Hiệp tiếp giáp nhau, đã tạo ra cục diện cách mạng mới chưa từng có, nhiều nam, nữ thanh niên gia nhập quân giải phóng, nhân dân đóng góp nuôi quân nhiều hơn, tạo được lòng tin cho quần chúng, nhằm làm động lực thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng phát triển, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đội thi xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) thi kể mẩu chuyện chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc tại hội thi tìm hiểu về sự nghiệp, thân thế Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thị Nương, 60 năm chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc và truyền thống lịch sử Đảng bộ, dân, quân huyện Giồng Riềng năm 2023.
Tiếp nối tinh thần yêu nước, Đảng bộ, quân và dân xã Ngọc Chúc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường kháng chiến, từng bước giành thắng lợi, tiến tới giải phóng quê nhà vào ngày 15-11-1974.
Ghi nhận thành tích đó, năm 1996, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Chúc. Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc (Bia chiến thắng Lộ Mới, xã Ngọc Chúc) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (loại hình lưu niệm sự kiện) theo Quyết định số 2669/QĐ-UBND, ngày 8-11-2013 của UBND tỉnh Kiên Giang.
Đây là niềm vinh dự lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chiến thắng Lộ Mới Ngọc Chúc mãi mãi là dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Bài và ảnh: BÍCH THÙY
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: