31/05/2022 09:04
Tại đối thoại, có 14 lượt ý kiến của nông dân, chủ doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trực tiếp đặt vấn đề với Thủ tướng Chính phủ trong tổng số hơn 1.600 câu hỏi được gởi đến ban tổ chức hội nghị.
Các ý kiến đặt ra nhiều vấn đề xung quanh cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn sau đại dịch COVID-19; giải pháp, chính sách của Chính phủ hỗ trợ nông dân khi giá đầu vào sản xuất (xăng, dầu, vật tư...) tăng cao; cần có chính sách đánh giá lại nguồn lực nông nghiệp trong đó có vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài; vấn đề thúc đẩy liên kết “4 nhà”; chính sách về vốn, tín dụng; vấn đề mở rộng, đa dạng hóa thị trường; vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế, chính sách đào tạo nghề, tri thức hóa nông dân...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.
Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển của khu vực nông thôn và nâng cao trình độ nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết Trung ương sẽ ban hành các nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết này.
Sản xuất rau thủy canh công nghệ cao tại cơ sở sản xuất Thái Lan Farm (Châu Thành).
Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân, nhất là trình độ theo hướng tri thức hóa nông dân để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn.
Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần “ly nông không ly hương”. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước.
Các bộ ngành, cơ quan, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hàng ngày với người dân, quán triệt tinh thần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; lắng nghe, tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề.
Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề bức xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ nông dân toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật…
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang định kỳ tháng 12-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo và nhắc nhở các sở, ngành, địa phương không được tự mãn mà phải tiếp tục xem công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục.
Tổng số lượt truy cập: