15/11/2023 10:54
Kiên Giang là tỉnh thứ 17 trên cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh để xác định tổng thể về tư duy tầm nhìn, quan điểm, kịch bản, mục tiêu, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kiên Giang có bờ biển dài trên 200km, vùng biển hơn 63.000km2 với 143 đảo nổi lớn, nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc - thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, có 2 cửa khẩu, 2 sân bay, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh thuộc vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang là tỉnh duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có đủ 4 loại địa hình đồi núi, biển đảo, đồng bằng, rừng tràm ngập nước, Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, nhờ đó có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiện thực hóa tầm nhìn, quy hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mang tính chiến lược để xây dựng, phát triển Kiên Giang.
Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia
Kiên Giang là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển, đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, trong đó nổi bật là khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Phú Quốc là đô thị biển, đảo độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, biển, đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông MeKong mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực.
Tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đưa tỉnh Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu quy hoạch đề ra.
Một góc TP. Hà Tiên (Kiên Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: TÂY HỒ
Phát triển theo hướng giá trị và bền vững
Quy hoạch đã xây dựng mục tiêu đến năm 2030 Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.
TP. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới. TP. Rạch Giá được định hướng là thành phố thương mại, dịch vụ xanh. Với lợi thế về bề dày lịch sử, văn hóa, TP. Hà Tiên là đô thị di sản.
Danh mục dư án dự kiến ưu tiên thực hiện tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030 |
Kiên Giang xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 đột phá phát triển, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế biển, hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển sáng tạo theo quy định pháp luật.
Đất dự kiến hình thành các dự án lấn biển khoảng 3.800ha tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất và huyện Kiên Hải. Đồng thời, tạo bước đột phá phát triển cho TP. Phú Quốc với cơ chế đặc thù, vượt trội về chính sách ưu đãi.
Không gian phát triển kiến tạo, gắn kết với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng, quốc gia
Về không gian phát triển, tỉnh Kiên Giang được cấu trúc thành 3 hành lang kinh tế chiến lược và 4 tiểu vùng là vùng tứ giác Long Xuyên bao gồm TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Giang Thành, huyện Hòn Đất và một phần các huyện Tân Hiệp, Châu Thành; vùng Tây sông Hậu bao gồm một phần huyện Tân Hiệp, Châu Thành và toàn bộ huyện Giồng Riềng, Gò Quao; vùng U Minh Thượng bao gồm huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận; vùng hải đảo bao gồm TP. Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải.
Dựa vào điều kiện tự nhiên và xã hội, mỗi không gian tiểu vùng được định vị các vai trò quan trọng có thể phát triển, hỗ trợ cho nhau, tạo động lực thúc đẩy các khu vực còn lại trên cơ sở phát huy thế mạnh, hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương.
Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên 3 hành lang kinh tế chính:
Hành lang kinh tế ven biển Tây gồm hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá dựa trên trục cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, quốc lộ 80, đường bộ ven biển và hành lang kinh tế ven biển khu vực An Minh - An Biên - Châu Thành - Rạch Giá dựa trên trục đường bộ ven biển và đường hành lang ven biển phía Nam.
Vùng hành lang kinh tế này tập trung phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn, năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển, đảo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các địa phương ven biển.
Hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa trên trục cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quốc lộ 80 đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương giữa tỉnh với các địa phương trong vùng.
Hành lang biên giới Giang Thành - Hà Tiên dựa trên trục quốc lộ N1 tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Một góc TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: PHƯƠNG VŨ
Đẩy mạnh phát triển đô thị hóa và các khu chức năng
Quy hoạch đề ra nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 34 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I là TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, 1 đô thị loại II là TP. Hà Tiên, 1 đô thị loại III là thị xã Kiên Lương, 10 đô thị loại IV và 20 đô thị loại V.
Quy hoạch đã dựa trên nghiên cứu khoa học để điều chỉnh, bổ sung về phạm vi, quy mô và tính chất nhằm phát huy tổng hợp các tiềm năng của Khu Kinh tế Phú Quốc và Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Việc định hướng các khu chức năng tập trung phát triển 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp có tính chất đa ngành, chú trọng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn. Quy hoạch đã đưa ra đề xuất công nhận các khu du lịch tiềm năng gồm khu du lịch đầm Đông Hồ, khu du lịch Mũi Nai, khu du lịch núi Bình San, khu du lịch chùa Hang - hòn Phụ Tử, khu du lịch quần đảo Bà Lụa - Ba Hòn Đầm, khu du lịch Ba Hòn (Hòn Me - Hòn Quéo - Hòn Đất), khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Thượng và một số khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế.
Việc phát triển du lịch trong quy hoạch đã xác định không chỉ dựa vào cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên mà còn phải kết hợp với các điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội của từng địa phương.
Quy hoạch xác định sau năm 2030 sẽ thành lập Khu Kinh tế ven biển Rạch Giá là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logistics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thủy sản và Cảng hàng không Rạch Giá. Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang gồm Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên và Khu vực cửa khẩu Giang Thành.
Phường An Thới, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG VŨ
Giải pháp hiện thực hóa quy hoạch
Quy hoạch đề ra 6 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch gồm giải pháp về huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học và công nghệ, môi trường; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Các giải pháp được đưa ra trên cơ sở khoa học và thực tiễn để áp dụng, triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm công việc được hoạch định trong quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 với hơn 200 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công cụ pháp lý quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển. Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang với niềm tin và quyết tâm phấn đấu đạt được những mục tiêu, tầm nhìn và định hướng đã đề ra để quy hoạch tỉnh được cụ thể hóa thực hiện, đưa tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
KIỀU QUYÊN
(Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: