07/03/2022 13:56
Đồng chí Phạm Minh Chính (đứng) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Thời gian qua, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, đóng góp vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn: Biến đổi khí hậu; biến động thị trường; những điểm bất hợp lý trong phát triển kinh tế nội tại như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, chất lượng và an toàn thực phẩm; sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, nguồn nhân lực hạn chế...
Đồng chí Lê Minh Hoan cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khai trương văn phòng điều phối nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; kết nối chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng. Bộ cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn”.
Đồng chí Phạm Minh Chính (hàng trước, thứ hai, từ trái qua) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí: Lê Minh Hoan (bìa trái) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đỗ Thanh Bình (thứ ba, từ trái qua) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tham quan gian hàng OCOP của tỉnh.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, năng suất, chất lượng lao động sản phẩm còn thấp, tính liên kết chuỗi giá trị chưa cao, thị trường không ổn định, chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu…
Mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo bước đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực. Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã chỉ ra quan điểm chỉ đạo là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Lấy nông dân làm trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, lấy công nghiệp và dịch vụ làm bệ đỡ cho nông nghiệp phát triển. Phát huy tính tự lực, tự cường, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tận dụng nguồn lực bên trong là con người, tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, nhân dân đoàn kết một lòng theo Đảng, kết hợp với việc huy động mọi nguồn lực bên ngoài như đầu tư tài chính, thị trường, năng lực quản trị, cơ sở hạ tầng..., khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của vùng để phát triển nông nghiệp.
Đồng chí Phạm Minh Chính (hàng đầu) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đi khảo sát một số công trình lấn biển trên địa bàn TP. Rạch Giá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương tiếp cận vấn đề tập trung theo đúng tinh thần tư duy phải đột phá, tầm nhìn phải chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị phải nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng. Các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra: Một là, thể chế, cơ chế, chính sách phải nhanh chóng hoàn thiện, rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách cần tập trung phát triển gì thì bổ sung.
Hai là, quy hoạch thực hiện 4 tốt: Có quy hoạch tốt, dự án tốt, nhà đầu tư tốt, sản phẩm tốt. Ba là, xây dựng thương hiệu sản phẩm trái cây, cá tra, du lịch sinh thái, du lịch biển đặc trưng của vùng… Bốn là, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng.
Năm là, đa dạng hóa nguồn tài chính. Sáu là, đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, quy hoạch lại, đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng. Bảy là, đầu tư khoa học, công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, thành lập nhiều doanh nghiệp. Tám là, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết sản phẩm.
Đồng chí Phạm Minh Chính (hàng phía sau, thứ mười, từ phải qua) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cùng với lãnh đạo các bộ ngành, Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng chứng kiến lễ ký kết về chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chín là, quản trị hiện đại, tổ chức công việc khoa học, đi từ thấp đến cao, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, đừng vội vàng, không cầu toàn; đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa thị trường Đông Bắc Á, ASEAN, Mỹ… “Mỗi thị trường có sản phẩm khác nhau, chúng ta phải tìm tòi, sáng tạo đưa sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường, nghiên cứu thị trường kỹ. Các bộ, các ngành phải đồng hành với đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết các nút thắt, đưa nông nghiệp vùng phát triển bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang định kỳ tháng 12-2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo và nhắc nhở các sở, ngành, địa phương không được tự mãn mà phải tiếp tục xem công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục.
Tổng số lượt truy cập: